Bảo đảm dạy tốt - học tốt nhờ "lớp học 2 chiều" ở trường học có F0
Kể từ khi mở cửa thích ứng, mỗi ngày ngành GD-ĐT thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đều ghi nhận ca F0 mới.
Dẫu vậy, các trường vẫn bảo đảm tổ chức tốt hoạt động giáo dục, thông qua mô hình lớp học “2 chiều”.
Giờ học “đa phương thức”
Một giờ học ngoại ngữ của thầy giáo Hoàng Anh Giang và học sinh lớp 3A2, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện diễn ra theo đúng thời khóa biểu, song có sự đổi mới về phương thức tổ chức.
Thay vì chỉ chuẩn bị bảng đen, phấn trắng và giáo án, nay thầy Giang bố trí thêm máy tính bảng, máy chiếu, camera ghi hình và đường truyền ổn định. Thầy Giang chia sẻ: Lớp có 37/40 học sinh trực tiếp tham gia giờ học. Trong đó, có 30 em tập trung trên lớp, 7 em thuộc diện F1 đang thực hiện cách ly theo dõi qua lớp học “ảo”.
“Vừa giảng dạy cho học sinh trên lớp, chúng tôi vừa ghi hình trực tiếp tiết học để học sinh cách ly theo dõi. Thậm chí vì điều kiện nào đó không tham gia được cả 2 hình thức này thì giáo viên giao bài tại nhà, để đảm bảo quyền lợi cho các em”, thầy Giang cho hay.
Để tổ chức giờ học như vậy, theo thầy Giang, giáo viên không chỉ vất vả, mất nhiều thời gian hơn mà phải linh hoạt trong việc theo dõi, kịp thời nắm bắt, xử lý các tình huống phát sinh ở cả 2 “đầu cầu”. “Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm tích lũy từ trước nên hoạt động dạy và học theo hình thức này đã đi vào ổn định”, thầy Giang nói.
Theo cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đang là “điểm nóng” của ngành Giáo dục TP Điện Biên Phủ. Tổng số ca F0 ghi nhận đến sáng 16/2 là 10 trường hợp, 149 F1. Trong đó, 9 ca là học sinh.
Trước tình hình đó, Ban giám hiệu nhà trường đã linh hoạt chỉ đạo các lớp thay đổi phương thức dạy học. Để tất cả học sinh đều tham gia học tập, nhà trường phân loại theo từng nhóm nguy cơ. Trên cơ sở đó tổ chức phù hợp hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Với những học sinh tham gia học trực tuyến, trường yêu cầu giáo viên phải kiểm soát được việc học, tương tác với các em để nắm bắt khả năng, tiến độ tiếp nhận kiến thức. Từ đó xây dựng bài giảng phù hợp.
“Mô hình trên được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn, rất phù hợp với tình hình mới. Nhà trường đã có kinh nghiệm từ việc thí điểm trong học kỳ I. Hiện nay, chúng tôi tổ chức đại trà tại 21/21 lớp. Tuy nhiên, các lớp có F0 vẫn tổ chức học trực tuyến”, cô Bích cho hay.
Hợp tác “2 chiều”
Theo cô Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, muốn tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong tình hình mới phải xây dựng được những lớp học hợp tác “2 chiều”.
Để làm được điều đó, mỗi ngày cô Dung có mặt tại lớp sớm hơn 15 phút so với trước kia. Vừa chuẩn bị thiết bị đảm bảo dạy học song song 2 hình thức, cô còn liên hệ và hướng dẫn phụ huynh, học sinh đang cách ly tham gia “lớp học ảo”.
“Quá trình giảng dạy, tôi không chỉ tập trung cho học sinh trên lớp, mà thường xuyên quan sát các em đang theo dõi trực tuyến. Yêu cầu các em phải có sự trao đổi, tương tác 2 chiều. Qua đó nắm bắt xem chưa hiểu chỗ nào, còn vướng mắc ở đâu để kịp thời tháo gỡ, hoặc tìm phương án hỗ trợ, bổ sung, nhằm bảo đảm quyền lợi tiếp cận kiến thức cho mọi học sinh”, cô Dung chia sẻ.
Cũng theo cô Dung, hợp tác “2 chiều” còn được thể hiện rất rõ trong việc phụ huynh cùng tham gia vào công tác xã hội hóa test Covid-19 cho con em mình. “Lớp tôi chủ nhiệm có 40 học sinh thì Hội phụ huynh trích quỹ mua 41 bộ kit với nguyện vọng xét nghiệm nhanh cho cả cô giáo”, cô Dung nói.
Còn tại Trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ, theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Nga, để mở cửa “thích ứng”, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên chủ nhiệm các lớp thông tin đầy đủ, kịp thời diễn biến dịch, các quy định, yêu cầu chung. Qua đó giúp phụ huynh nắm bắt, chủ động phòng cho con em và tuân thủ, ủng hộ với các phương án nhà trường đưa ra.
“Mỗi phụ huynh đưa, đón con đều đứng ở phía ngoài mà không đi vào khuôn viên trường học. Các hoạt động của học sinh ở lớp nào được khuyến khích diễn ra ngay tại lớp đó, nhất là giờ nghỉ giải lao. Do hạn hẹp về thời gian và khuôn viên phòng, trong khi số lượng học sinh đông nên “bếp ăn” vẫn chưa hoạt động trở lại. Điều này sẽ gây một số bất tiện, song đa phần phụ huynh đều được giải thích rõ, hiểu và đồng thuận”.
Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ, cho hay: Với quan điểm mở cửa thích ứng nên các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành vẫn được tổ chức nhưng phù hợp với tình hình mới.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi Học sinh giỏi lớp 9, với gần 400 em ở các trường tham gia. Để đảm bảo, ngành tổ chức thành 2 điểm khác nhau nhằm giảm số lượng người tập trung. Đặc biệt là việc thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 sẽ được đẩy mạnh. Bởi càng sớm bóc, tách được F0 ra khỏi trường học, lớp học càng giảm nguy cơ lây nhiễm”, bà Hồng cho hay.