Mở cửa trường học: Bổ sung kiến thức, rèn kỹ năng mềm cho sinh viên
Đón sinh viên trở lại học tập trung, các cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng kịch bản phòng chống Covid-19, đồng thời có phương án đào tạo, hỗ trợ, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên khi trở lại trường.
Vừa dạy - học vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh
PGS.TS Nguyễn Hoàng – Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) thông tin: Dự kiến ngày 21/2, sinh viên liên kết quốc tế năm thứ nhất, thứ hai và sinh viên đại học chính quy năm nhất (K57), năm thứ 4 (K54) và một số lớp cao học Khóa 27 trở lại trường để học tập trung. Các đối tượng còn lại sẽ học trực tiếp từ ngày 7/3.
Để sinh viên yên tâm trở lại trường học, nhà trường đã xây dựng kịch bản phòng chống Covid-19. Theo đó, khi quay trở lại học tập trung, người học phải tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin. Trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi cần liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tiêm đủ trước khi quay lại trường. Trường hợp chưa tiêm mũi 3, sinh viên đăng ký tại nơi cư trú (TP Hà Nội) sau khi quay trở lại trường học tập trung.
Với những sinh viên thuộc diện F0, nguy cơ cao (tiếp xúc với F0 và có các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi,...), F1 sẽ không đến trường. Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động liên hệ với giảng viên giảng dạy lớp học phần để được nhận tài liệu, tự nghiên cứu trong thời gian điều trị/cách ly y tế theo quy định. Sau thời gian điều trị/cách ly y tế phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính của y tế trong vòng 24 giờ trước khi đến trường.
Giả sử trong thời gian học tập trung, nếu xuất hiện F0 sẽ tiến hành cách ly theo quy định của ngành Y tế. Những trường hợp đang ở ký túc xá của trường sẽ cách ly tại tầng 2, tầng 3 Nhà A (trụ sở chính) hoặc nhà K (cơ sở Hà Nam) theo hướng dẫn của trạm Y tế. Nếu là sinh viên ngoại trú, cần báo với chủ nhà và cơ quan y tế địa phương (nơi thuê trọ) để thực hiện các bước theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng nhà trường – khẳng định: Công tác bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Theo đó, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang… Đồng thời xây dựng phương án khử khuẩn lớp học khi phát hiện trường hợp có biểu hiện của Covid-19.
Nhà trường phân công người trực để giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giảng viên, viên chức, người lao động và người học tại khu vực giảng đường, ký túc xá. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra tổng thể và khắc phục, sửa chữa hư hỏng về cơ sở vật chất tại các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng ở và trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Từ ngày 14/2, hơn 15.000 sinh viên của 4 trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên đã trở lại trường học trực tiếp, số còn lại sẽ tập trung trước ngày 21/2. PGS.TS Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Đào tạo – cho biết: Đại học Thái Nguyên chủ động tìm hiểu thông tin của người học từ các địa phương khác trở về Thái Nguyên, nhất là những địa phương có diễn biến dịch phức tạp; từ đó có biện pháp áp dụng phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, chủ động kết nối với y tế địa phương để xử lý khi có F0 hoặc dịch bệnh lây lan tại các đơn vị của Đại học Thái Nguyên. Đặc biệt, việc đón sinh viên trở lại trường học tập trung đều được các đơn vị của Đại học Thái Nguyên xây dựng thành đề án.
Bổ sung kiến thức, kỹ năng
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đại học cũng xây dựng phương án hỗ trợ sinh viên khi trở lại học tập trung. PGS.TS Nguyễn Hoàng cho hay: Trường ĐH Thương mại yêu cầu, giảng viên giảng dạy các lớp học phần chịu trách nhiệm gửi tài liệu học tập cho sinh viên thuộc đối tượng F0, F1, đối tượng nguy cơ cao để tự học tập, nghiên cứu trong thời gian điều trị/cách ly theo quy định. Đồng thời yêu cầu người học chủ động liên hệ với giảng viên giảng dạy lớp học phần để được nhận tài liệu tự nghiên cứu trong thời gian điều trị/tự cách ly theo quy định.
TS Đỗ Đình Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) – nhấn mạnh: Nhà trường hỗ trợ tối đa cho người học như xây dựng và triển khai hệ thống báo cáo, thống kê trực tuyến theo ngày trên Google Clould để quản lý. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ sinh viên quay trở lại trường học tập trung và hỗ trợ chăm sóc người bị cách ly.
Tổ chức giảng dạy kết hợp trực tiếp – trực tuyến xen kẽ theo ngày cho các khoá sinh viên, bảo đảm giãn cách. Trước mắt ưu tiên đào tạo tập trung cho học phần thực hành. Đào tạo theo mô hình lớp học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã và đang tập trung giáo dục kỹ năng, tư vấn tâm lý, sức khoẻ và ôn tập kiến thức cho sinh viên khi các em trở lại trường học trực tiếp. GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: 21.300 lượt sinh viên tham gia 15 chương trình đào tạo kỹ năng mềm, 6 số “lên sóng NEU Alumni talk”; 10 chuyên đề phương pháp học tập ở bậc đại học… Đây là những hoạt động rất tốt để phát triển các kỹ năng cần thiết cho sinh viên sau một thời gian dài các em không tới trường.
Thực tế cho thấy, dù tổ chức tốt dạy học trực tuyến nhưng vẫn không thể thay thế được việc học tập trực tiếp. Vì thế, khi sinh viên trở lại học tập trung, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có kế hoạch bổ sung lượng kiến thức, trong đó có kỹ năng mềm, xử lý vấn đề. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục nghiên cứu xây dựng kế hoạch học tập phù hợp; đồng thời tăng cường kiến thức của mỗi học phần đa dạng, phong phú khắc phục những hạn chế khi học online. Bổ sung kiến thức cần thiết như việc tương tác với doanh nghiệp, các chương trình đã được ký kết hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập tại trường.