A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh trở lại trường: An toàn cho trẻ, thuận tiện cho phụ huynh

Học sinh mầm non, tiểu học nhiều tỉnh/thành đã đi học trở lại. Căn cứ theo thực tế dịch bệnh mà mỗi nhà trường đang triển khai phương án phòng dịch trong dạy học, bán trú khác nhau.

Tất cả đều hướng tới an toàn sức khỏe, quyền học tập của trẻ, thuận tiện cho gia đình khi đưa đón… 

Linh động phòng dịch trong đưa đón

Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh), cho biết: Tất cả học sinh (HS) đến trường sẽ qua khu vực rửa, sát trùng tay rồi vào thẳng lớp. Giáo viên (GV) đo thân nhiệt HS trên lớp, không đo ở cổng để tránh ùn tắc.

Khung giờ đón trẻ được phân chia theo khối cách nhau 15 phút. Theo cô Thủy, khung giờ đưa đón giãn cách giữa các khối lớp, chuyển đổi lịch học sáng chiều đã thông báo sớm và đầy đủ tới phụ huynh để nắm bắt và bố trí thời gian, nhân lực tránh bị động. Ở tuần đầu và tuần thứ 2 triển khai dạy học 1 buổi/ngày khá thuận lợi; nhu cầu bán trú cho 673 HS vẫn được ghi nhận, song số lượng không nhiều bởi hầu hết phụ huynh đã xác định ứng phó và thích nghi với dịch bệnh, do đó đều cố gắng thu xếp đưa đón trẻ đúng giờ.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) hơn 1.000 HS đã trở lại trường học tập 1 buổi/ngày. Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng, chống dịch trong trường lớp, việc tổ chức đưa đón HS cũng được cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng cho biết đang tổ chức chặt chẽ.

GV đến sớm hơn HS, đứng trước cổng trường hướng dẫn các em thực hiện sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng cách; phát khẩu trang nếu HS quên hoặc gặp nước mưa bị ướt, hỏng. Cùng đó, hướng dẫn HS lối lên lớp, tránh tình trạng HS nghỉ lâu ngày quên vị trí lớp học phải đi tìm.

Đặc biệt, trường phân luồng, giãn cách giờ đưa đón HS kỹ càng. GV thông báo giờ đưa đón so le giữa các lớp để phụ huynh đến đúng giờ, HS ra khỏi trường lên xe về ngay không phải chờ đợi hoặc tụ tập. Trường hợp, bố mẹ đến đón sớm hoặc muộn có khu đứng tách biệt theo từng khối lớp…

Chia sẻ về công tác bán trú, cô Thanh cho hay: Trường căn cứ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu phụ huynh. Nếu mỗi lớp có 15 - 20 HS đăng ký, dịch được kiểm soát tốt tại trường sẽ đề xuất lên phòng GD&ĐT để triển khai. “Nhu cầu bán trú của phụ huynh là chính đáng bởi đa số làm việc cả ngày, xa nhà, xa trường không thuận tiện đưa đón trẻ vào cuối giờ sáng…”, cô Thanh trao đổi.

Tại Trường Mầm non Việt Chu (Hạ Loang, Cao Bằng), tỷ lệ HS trở lại trường đạt trên 98% từ tuần học đầu tiên tại cả điểm trường chính và điểm trường lẻ. Cô Hoàng Thị Chinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Trường nằm trong “vùng xanh”, dịch bệnh được kiểm soát khá an toàn. Số trẻ trong một lớp không nhiều (cao nhất 19, lớp ít nhất 10), song các biện pháp phòng chống dịch vẫn thực hiện đầy đủ.

“Trẻ ăn trưa theo từng lớp, bàn ăn được kê giãn cách. Giờ ngủ trưa, nếu trước đây từ 3 - 5 trẻ nằm chung một chăn, đệm thì nay tách còn 1 - 3 trẻ. Giờ đưa đón trẻ yêu cầu phụ huynh không tập trung vào cùng thời điểm và phải theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà có biểu hiện ốm, sốt… đưa đi khám, không đưa tới lớp và thông báo ngay cho GV.

Mặt khác, để hạn chế tối đa lây lan dịch từ GV sang trẻ, trường yêu cầu GV trong suốt quá trình nuôi dạy, tiếp xúc trẻ tại lớp phải đeo khẩu trang; Giờ nghỉ trưa tách riêng, không ăn chung, nằm chung với trẻ…”, cô Chinh cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh tại trường lớp cũng được ghi nhận tại nhiều trường học vùng khó nói chung, và Trường Mầm non Việt Chu nói riêng đó là thiếu cơ sở vật chất, thiết bị y tế. “Lượng cồn sát trùng dần hết, không có máy đo thân nhiệt, phải nhờ y tế xã nên không thể kiểm tra hàng ngày. Kinh phí nhà trường hạn hẹp, khó khăn trong việc huy động từ gia đình. Trẻ mầm non khó có thể thực hiện đeo khẩu trang cả ngày...”, cô Chinh bộc bạch.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) tan học theo khung giờ khác nhau giữa các lớp. Ảnh: NTCC

Đảm bảo an toàn thực phẩm và hoạt động bán trú

Theo cô Nguyễn Thị Tô Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai, Lào Cai), tuần đầu triển khai ăn bán trú trường đã có hơn 50% HS đăng ký. Trường cũng khuyến khích các gia đình có điều kiện thực hiện đón trẻ, chăm sóc, ăn uống bữa trưa tại nhà. Do số HS bán trú giảm tạo thuận lợi trong thực hiện biện pháp giãn cách khi ăn uống, ngủ nghỉ tại trường.

Cô Châu cho biết: HS ăn theo lớp, mỗi bàn ăn có 4 HS (thay vì 6 như trước) và ngồi cách xa, cốc và đồ dùng ăn uống được sử dụng riêng. Khâu bảo đảm thực phẩm được trường ký kết với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp uy tín, đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trường còn phối hợp với cha mẹ HS giám sát bữa ăn hàng ngày để đảm bảo đủ nóng, đủ chất và lượng. Khuyến khích Ban phụ huynh nhà trường kiểm tra đột xuất bữa ăn, các lớp phân công phụ huynh giám sát mỗi ngày...

Nằm trong vùng vẫn có dịch nên việc đảm bảo bữa ăn bán trú được Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) đặt sức khỏe, an toàn của HS lên hàng đầu. “Trường bố trí để trẻ được ăn tại lớp (với điểm trường chính), và ngồi giãn cách 2m giữa các nhóm trong phòng ăn ở điểm trường lẻ. Thực phẩm ký hợp đồng với công ty cung ứng, đảm bảo nguyên liệu tươi, sạch cung cấp hàng ngày.

Bộ phận y tế, cấp dưỡng, phụ huynh kiểm tra trước khi chế biến. Quá trình chế biến, cấp dưỡng mang trang phục sạch sẽ theo quy định y tế, đeo găng tay, khẩu trang. Sau khi chế biến lưu mẫu trong vòng 24 giờ…”, cô Lệnh Bích Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) thông tin.

Chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh lớp 2A Trường Tiểu học Bắc Lệnh chia sẻ: Không phải gia đình nào cũng nhờ được ông bà hỗ trợ. Hơn thế, sự quản lý của thầy cô với buổi thứ 2 ở trường vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc để HS ở nhà một mình. Khâu phòng, chống dịch của trường được tiến hành đầy đủ nên phụ huynh hoàn toàn tin tưởng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...