A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" trong phát triển công nghiệp văn hóa

Sáng 22/11, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc giám sát.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc giám sát

Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chuyển biến tích cực

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết, huyện có 282 di tích, trong đó, có di tích quốc gia đặc biệt là quần thể di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương), 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 90 di tích xếp hạng cấp thành phố. Huyện có 67 lễ hội truyền thống, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 60 di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với đó, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát chèo, múa rối, nghệ thuật cồng chiêng được bảo tồn và phát huy. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Mỹ Đức phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như phát triển công nghiệp văn hóa.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết, việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội hơn 2 năm qua được Ban Thường vụ Huyện ủy cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của huyện. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống được các cấp, ngành và Nhân dân tham gia hưởng ứng.

Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng và hoàn thiện; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia; công tác giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thừa nhận, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội trên địa bàn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các thiết chế văn hóa ở một số cơ sở có nơi còn gặp khó khăn. Một số công trình di tích đình, chùa chưa được tập trung đầu tư nguồn lực tu bổ, tôn tạo.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai trình bày báo cáo.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai trình bày báo cáo

Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo, sớm phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) theo Quyết định số 380/QĐ-TTG ngày 13/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án đổi mới mô hình tổ chức và phương thức quản lý di tích và quản lý hoạt động du lịch, tham quan thắng cảnh tại quần thể di tích, thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn theo Thông báo số 20-TB/BCĐ ngày 25/7/2023 của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội.

Thành phố quan tâm, hỗ trợ ngân sách đầu tư, xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng trường liên cấp và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo nghị quyết của HĐND thành phố.

Thay đổi tư duy Nhà nước “làm thay” trong phát triển công nghiệp văn hóa

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực của huyện Mỹ Đức trong cụ thể hóa các nội dung quan trọng trong Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU, thông qua việc ban hành các đề án, kế hoạch, đặc biệt là quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế. Nhờ đó, nhận thức của người dân về vấn đề văn hóa, nguồn nhân lực trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa dày đặc trên địa bàn; đồng thời, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhận thức của huyện về phát triển công nghiệp văn hóa chưa được chú trọng và cần thay đổi tư duy về vấn đề này. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU nhấn mạnh đến các nhóm lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như du lịch văn hóa, ẩm thực… Đây là những lĩnh vực mà huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần phải được phát huy hơn nữa thời gian tới.

Cho rằng, văn hóa, giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực còn những “điểm nghẽn”, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển những lĩnh vực quan trọng này. Trong đó, cần thay đổi tư duy “làm thay” cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa, bởi khi có sự chung tay của cộng đồng thì văn hóa mới phát triển bền vững.

Với nhiều lợi thế về địa bàn cùng hệ thống các di tích lịch sử văn hóa đa dạng, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng cùng với du lịch tâm linh. Trước mắt, huyện cần xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với danh lam thắng cảnh chùa Hương. Đồng thời, huyện khai thác các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu huyện sớm xây dựng đề án nâng cao nhất lượng nguồn nhân lực, gồm: Cán bộ, công chức, giáo viên… trên địa bàn, để qua đó có hướng bồi dưỡng, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công việc được giao. Đồng thời, huyện sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU với từng mốc thời gian, nhiệm vụ và phương hướng rõ ràng để thực hiện hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...