A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025: Cùng sách bước vào kỷ nguyên mới

Bộ VH,TT&DL ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 2/5 trên toàn quốc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 sẽ có hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 sẽ có hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới.
 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 được tổ chức trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc

Mới đây, Bộ VH,TT&DL ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 2/5 trên toàn quốc, với nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, lan tỏa các giá trị của sách và việc đọc sách.

Theo Bộ VH,TT&DL, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đây cũng là sự kiện thường niên nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách; phát hiện, tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.

Việc triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của chuyển đổi số; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được Bộ VH,TT&DL gợi ý với một số chủ đề cốt lõi: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.

 

Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 sẽ có nhiều hoạt động: Giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật. Giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách.

Tổ chức không gian giới thiệu sách, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách. Tổ chức các buổi hội thảo về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới. Tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet.

ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-nam-2025-cung-sach-buoc-vao-ky-nguyen-moi-3.jpg

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện khuyến đọc tại một trường học ở Hà Nội.

Cha mẹ làm gương để con không sợ sách

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đọc sách không chỉ là hành động giữ gìn và phát triển văn hóa, mà còn là chìa khóa mở ra những cánh cửa sáng tạo vô tận. Mỗi cuốn sách không chỉ chứa đựng tri thức, mà còn mang lại cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, mở rộng tầm nhìn, phát triển khả năng giải quyết vấn đề…

Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu thì không dễ để thuyết phục người khác đọc sách. Thậm chí ngay tại gia đình, cha mẹ cũng không dễ dàng trong việc giáo dục và định hướng cho con cái tiếp cận với sách. Nhiều trẻ nhỏ thích game hơn thích sách, thích chơi hơn thích đọc, và nhiều khi sách trở thành nỗi sợ của trẻ nhỏ.

 

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khuyến đọc giải thích, điều mà rất nhiều trẻ nhỏ khó chịu nhất hiện nay là việc bị bố mẹ thúc giục phải đọc sách. Nhưng nguyên nhân khiến trẻ nhỏ không muốn đọc sách, sợ đọc sách lại xuất phát từ hành động của bố mẹ - không gương mẫu. Không làm gương trong việc tự giác đọc sách thì không thể thuyết phục con cái làm theo.

Nhà văn Nguyễn Bích Lan cũng cho rằng, mỗi người trưởng thành cần làm gương cho con trẻ bằng thái độ coi trọng những cuốn sách hay, rèn cho mình thói quen đọc sách để làm gương cho những đứa trẻ trong gia đình. Người lớn làm điều gì – bất kể tốt hay xấu, trẻ em cũng sẽ học theo. Thế nên không có lý gì để chúng ta cầm lấy sách và đọc, trước khi dạy trẻ em biết yêu sách.

Thời gian gần đây, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, nhiều tổ chức, trường học, doanh nghiệp, làng xã đã thành lập thư viện, hình thành các câu lạc bộ đọc sách. Nhiều hội thảo, tọa đàm cũng được tổ chức để thảo luận, chia sẻ các cuốn sách hay, cách đọc sách hiệu quả… không chỉ nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi danh sách các quốc gia lười đọc, mà còn hướng tới một xã hội hiện đại, biết tìm kiếm tri thức từ sách.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương đưa ra câu hỏi: “Vì sao người Việt đọc sách nhưng nhanh chán? Đọc được vài dòng là buồn ngủ?”. Theo vị chuyên gia này, lý do vì não bộ không quen, không có sự tập trung, thiếu nền tảng kiến thức dẫn tới đọc không hiểu, hoặc cuốn sách không phù hợp với nhận thức bản thân.

Cách khắc phục chính là, khi mới đọc hãy cứ đọc để não bộ tiếp nhận thói quen mới. Đọc ở không gian phù hợp, yên tĩnh, không gây buồn ngủ, chẳng hạn thay vì đọc ở phòng ngủ thì hãy ngồi đọc ở phòng khách hoặc phòng làm việc. Đọc những cuốn sách phù hợp với trình độ và nhận thức, có thể bắt đầu từ sách phi hư cấu dành cho trẻ em.

Khi đã có thói quen thì việc đọc phải hướng tới hiệu quả. Một trong những kỹ thuật được nhiều người áp dụng, là khi đọc sách hãy suy ngẫm, liên hệ với bản thân, liên tưởng tới những điều mà tác giả chia sẻ.

 

Đồng thời dành thời gian để ghi chép, viết ra những câu trích dẫn. Khi đã rèn luyện được năng lực viết, ghi chép, có thể nhanh chóng học cách tóm tắt, giới thiệu cuốn sách tới nhiều người hơn nữa bằng chính ngôn ngữ của mình.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL, nếu phụ huynh ham đọc sách, dành thời gian hướng dẫn trẻ làm quen với sách và đọc sách thì những lời dạy bảo mới có giá trị và đem lại hiệu quả. Người lớn trong nhà đều đọc sách, tự nhiên sẽ gieo tình yêu sách trong con trẻ và khiến chúng tự giác đọc sách như một thói quen. Trong thời buổi nhiều bận rộn, nhiều áp lực vì cơm áo gạo tiền, cha mẹ hãy cố dành khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày để đồng hành cùng con qua từng trang sách.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...