A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2025) và 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Huế (tháng 4/1930 - tháng 4/2025).

 

Phóng viên Báo Công Thương có cuộc phỏng vấn với Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Văn Phương về những thành tựu đạt được trong 50 năm qua và định hướng phát triển của thành phố khi cả đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc
Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Văn Phương. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Xây dựng Huế thành xứ sở hạnh phúc

- Xin ông cho biết những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, sau ngày giành độc lập trên quê hương Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế)?

Ông Nguyễn Văn Phương: Sau ngày giải phóng quê hương, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), vượt lên những khó khăn, thách thức của nền kinh tế yếu kém bởi sự tàn phá sau chiến tranh và phải thường xuyên đương đầu, đối phó với thiên tai, dịch bệnh..., Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực, vươn lên, phát huy nội lực, đổi mới, năng động, sáng tạo, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển hài hòa, hội nhập trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, anh dũng, kiên cường; đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được cải thiện, đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, ngày càng hiện đại. Nhiều công trình quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và khu vực đã được triển khai và đưa vào hoạt động. Công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị được quan tâm. Các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị…

Nông nghiệp, nông thôn phát triển khởi sắc, toàn diện; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang. Văn hóa - xã hội ngày càng phát triển toàn diện với sự hình thành và khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của cả nước. Y tế phát triển mạnh mẽ với sự hình thành, phát triển trung tâm y tế chuyên sâu…

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc
Lãnh đạo thành phố Huế vui vẻ chụp ảnh với những vị khách quốc tế đầu tiên đến Huế ngày đầu năm mới 2025. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Sở hữu nhiều danh hiệu, thương hiệu giá trị: Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố xanh quốc gia; thành phố bền vững về môi trường ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam.

Bản sắc văn hóa Huế, con người Huế, các giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan môi trường, thiên nhiên được tập trung gìn giữ, phát huy giá trị; công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế được triển khai toàn diện, di sản Huế đã có sự hồi sinh mạnh mẽ và phát huy hiệu quả. Huế đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách...

Có thể thấy, chặng đường gần 50 năm qua là cả một quá trình đổi thay sâu sắc, khẳng định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chính quyền và sức mạnh to lớn của nhân dân thành phố Huế, góp phần tạo thế và lực mới trên con đường phát triển và hội nhập, đưa thành phố Huế trực thuộc Trung ương bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong hành trình đó, thành phố Huế sẽ luôn kiên trì, đồng bộ, quyết liệt để xây dựng Huế thành một xứ sở hạnh phúc, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn.

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc
Rực rỡ đêm khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Ảnh: Hoàng Lê

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn di sản

- Xin ông cho biết, thành phố định hướng để vừa bảo tồn di sản, phát huy văn hoá, con người Huế… khi mà quá trình đô thị hoá nhanh, đặc biệt là giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình?

Ông Nguyễn Văn Phương: Quá trình phát triển của thành phố Huế Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Thành phố Huế định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa, có lựa chọn theo hướng xanh- sạch, trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,...

Trong xu thế phát triển của thời đại, thời gian tới, thành phố Huế sẽ tiếp tục định hướng xây dựng, phát triển theo mô hình đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đô thị hóa để làm cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước; chú trọng phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, chuyển hóa không gian di sản trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, giữ gìn bản sắc văn hóa, con người Huế, phát huy tốt hơn nữa vai trò của trung tâm văn hóa, du lịch của vùng và cả nước.

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc
Cầu vượt biển dài nhất miền Trung sắp được hợp long tại thành phố Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng sạch

- Thành phố Huế có nhiều dư địa phát triển công nghiệp nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng. Xin ông cho biết, thành phố Huế có những ưu đãi, chính sách gì để phát huy tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thành phố Huế là một trong 14 tỉnh thành Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thuộc tiểu Vùng Trung Trung bộ và một trong 4 tỉnh, thành phố của Vùng động lực miền Trung. Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai những ưu đãi, chính sách để phát huy tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm: Các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo khung quy định chung của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật liên quan.

Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách riêng, cụ thể như: Chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn: gồm các chính sách hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển thị trường. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi, đến cảng Chân Mây; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Thành phố Huế cam kết cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, nhằm tạo môi trường minh bạch, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của thành phố và mục tiêu phát triển xanh và bền vững, Huế đang khuyến khích các dự án năng lượng mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối, góp phần giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Quy mô nền kinh tế tăng gấp 8,5 lần so với năm 1989 (theo giá so sánh 2010). Giai đoạn 1989 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,1%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 22%/năm; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2025 ước đạt 37.000 tỷ đồng, gấp gần 1.000 lần so với năm 1989; giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 1.450 triệu USD, tăng gấp 163 lần; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 70 triệu đồng/người, tăng 55 lần.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...