Khí phách, văn hóa người Hà Nội trong "Lũy hoa"
"Lũy hoa" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Tập truyện phim tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 - 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ Thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" - 60 ngày đêm chúng ta thấy hoa trên chiến lũy.
Tâm huyết với Thủ đô
Truyện phim "Lũy hoa" là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là kết quả của bao nhiêu tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - một nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.
Trong Lời tựa, GS Phong Lê cho biết: "Thảo xong "Sống mãi với Thủ đô" tập 1 về ba ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết xen "Lũy hoa" và kết thúc truyện phim này vào ngày 15/6/1959, khi căn bệnh hiểm trong mình đang phát lộ, để chỉ hơn một năm sau, ngày 25/7/1960 thì nhà văn qua đời.
Truyện phim "Lũy hoa" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng |
Phải nói đến một sức làm việc khủng khiếp ở Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn cuối này, giai đoạn gần như ông đã dồn tụ tất cả sinh lực và tâm lực cho đề tài kháng chiến của quân dân Thủ đô, cho một Hà Nội không lúc nào không bám chắc trong tâm tưởng ông trên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, từ những truyện và kịch lịch sử viết trước 1945, như: "Vũ Như Tô", "Đêm hội Long Trì"... qua kịch "Những người ở lại" viết về những người Hà Nội đồng thời với ông, vào đầu kháng chiến chống Pháp...
Và đến bây giờ mới là lúc ông có thể nhìn lại Hà Nội trong những nét vừa rành rõ nhờ vào một khoảng lùi thời gian, vừa thoáng chút sương mù của hoài niệm và lịch sử".
"Lũy hoa" đưa bạn đọc trở về những ngày tháng không thể nào quên đó, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Với những cú chuyển cảnh qua ngòi bút nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ta thấy lại phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân... bắt gặp những con người của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp. Họ chiến đấu, họ lao động, họ yêu nhau.
Đặc biệt, cuốn sách còn có ảnh chụp những trang bản thảo của "Lũy hoa", hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác "Lũy hoa" và "Sống mãi với Thủ đô".
Trong "Lũy hoa" có sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu với cái hào hoa rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí Thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân. Tất cả được thể hiện qua một bút pháp chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.
Thêm hiểu và thêm yêu khí phách người Hà Nội
Tác phẩm sẽ giúp bạn đọc hồi tưởng về quá khứ hào hùng của đất nước, hiểu thêm và yêu thêm Hà Nội, qua con mắt một người đã trút hết sức lực và tâm lực để viết về Thủ đô.
Cùng chung đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cùng chung niềm cảm hứng về mảnh đất và con người Hà Nội, hai tác phẩm bổ sung, hô ứng cho nhau để trở thành một chỉnh thể gắn bó hữu cơ.
Trong đó, truyện phim "Lũy hoa" không chỉ được xem như cái khung sườn khả dĩ cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với một bút pháp riêng, chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại khá kỹ quá trình viết hai tác phẩm này.
Theo giáo sư Phong Lê: “Nếu có một biểu tượng gây ấn tượng nhất trong "Lũy hoa", đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội.
Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xoá bỏ ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến. Sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe tay, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo và cũng không muốn để cho địch sử dụng...
Việc đặc tả hai biểu tượng này quả đã đem lại cho "Lũy hoa" những trang hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế”.
Nhà văn Nguyễn Tuân từng cho biết: “Tôi là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết truyện phim này. Vui miệng, tôi có bảo Tưởng: “Ông cứ viết đi. Lúc nào quay, tôi xin đóng một vai. Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội bảo vệ Thủ đô; tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có cái thích thú muốn đóng một vai trong đó.
Đóng vai chính hay vai phụ, vai trung hay vai nịnh, tôi không chú trọng lắm. Miễn là góp mặt vào đó, góp mình vào một cái sáng tác của bạn mình… Tên ông lên áp phích, ông cho tôi một dòng chữ con gọi là ké vào đấy”. Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, sau cái cười đó là “Lũy hoa” hoàn thành bản thảo”.