A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Thanh Trì: Phát huy truyền thống văn hóa địa phương trong thời kỳ hội nhập

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, huyện Thanh Trì tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương để xây dựng nền văn hóa hiện đại.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, xây dựng con người Thanh Trì phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

mua-trong-bong-tai-lang-trieu-khuc-xa-tan-trieu-huyen-thanh-tri-.-anh-khanh-huy.jpg

Múa trống bồng tại làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Ảnh: Khánh Huy

Nhiều kết quả tích cực

Thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều Chử Minh Quân cho biết, thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đã được hình thành, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng, tham gia. Nhiều nơi cam kết không có hội viên, con em mắc tệ nạn xã hội; gia đình tứ đại đồng đường chung sống hiếu thuận; hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu; trồng và chăm sóc đường hoa tạo cảnh quan diện mạo nông thôn mới, bảo vệ môi trường..., góp phần hoàn thiện và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Số gia đình văn hóa tiếp tục tăng cao, năm 2014 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%, đến năm 2023 chiếm tỷ lệ 94% (đạt 105% so với kế hoạch đề ra); 2/2 làng, 7/7 tổ dân phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa nhiều năm liên tục…

Để đưa nghị quyết vào đời sống, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì Lý Duy Xuân cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, trọng tâm là Chương trình số 03 ngày 1-10-2015 và Chương trình số 07 ngày 22-10-2020 của Huyện ủy Thanh Trì về phát triển văn hóa - xã hội, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025. Huyện đã hướng dẫn các cấp ủy Đảng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn cụ thể hóa các chương trình công tác trọng tâm bằng các đề án, kế hoạch… Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo không gian sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa được triển khai đồng bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” triển khai nền nếp tại địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại cơ sở. Đến nay, 93% hộ gia đình; 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã đạt danh hiệu văn hóa.

“Đặc biệt, huyện vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tỷ lệ hỏa táng toàn huyện đạt 91,6%. Mặt khác, huyện tăng cường quảng bá, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các di sản phi vật thể qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ...”, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Duy Xuân nhấn mạnh.

Gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Đình Đặng, trong thời gian tới, xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ. Theo đó, Đại Áng sẽ tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; khai thác giá trị văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch; triển khai đúng tiến độ các dự án tu bổ, tôn tạo di tích được phê duyệt. Các di tích, công trình phúc lợi được bảo vệ, tu sửa và khai thác có hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và hiếu học của địa phương, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cường cho biết, trong thời gian tới, huyện tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nhằm khơi dậy, nhân lên tinh thần yêu nước, sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ giỏi về nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đổi mới; tổ chức hiệu quả các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng; đồng thời, phát huy thế mạnh của các xã được thành phố công nhận là “Điểm đến du lịch”. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng sâu rộng, thực chất, khuyến khích nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

“Huyện sẽ mở rộng và phát triển các ngành dịch vụ văn hóa, phát triển du lịch, gắn kết chặt chẽ văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm văn hóa, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập”, đồng chí Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...