Bảo tồn và phát triển nghề dát quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn - Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm, là làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm dát vàng, bạc, quỳ. Mới đây, nghề quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là niềm vinh dự và tự hào cho làng nghề và Nhân dân xã Kiêu Kỵ nói riêng và huyện Gia Lâm (Hà Nội) nói chung.
Nét độc đáo riêng có của làng nghề Kiêu Kỵ
Theo sử sách ghi lại: Nghề quỳ, vàng, bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ từ hơn 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy, ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (tỉnh Hải Dương), đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ. Ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và học được nghề làm vàng bạc sơn, thiếp lên hoành phi câu đối. Khi về nước ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là tổ nghề và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ nghề hằng năm...
Vinh dự và tự hào cho làng nghề dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ, ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chứng nhận nghề dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cũng trong năm 2021, thành phố Hà Nội đã quyết định đường làng Kiêu Kỵ mang tên cụ tổ Nguyễn Quý Trị.
Sản phẩm dát vàng của làng nghề xã Kiêu Kỵ |
Theo ông Lê Bá Chung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã quỳ vàng Kiêu Kỵ cho biết: Để có những miếng vàng bạc quỳ, người thợ quỳ vàng Kiêu Kỵ phải tuân thủ đủ 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ. Từ những miếng vàng, bạc thật, người thợ đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm làm từ giấy dó, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc).
Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá có một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh thì vàng cũng đã bay tung! Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảnh tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Cũng theo ông Lê Bá Chung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã quỳ vàng Kiêu Kỵ, một thợ giỏi trong làng có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2. Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế.
“Một sản phẩm được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên, nghề làm vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…”, ông Lê Bá Chung nhấn mạnh.
Tạo sự bứt phá cho làng nghề
Cùng với việc phát triển làng nghề truyền thống, những năm qua, xã Kiêu Kỵ cũng đẩy mạnh công tác xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao. Theo đó, những năm qua, xã Kiêu Kỵ đã được đầu tư hơn 340 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hơn 54 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhờ đó, bộ mặt Nông thôn mới của xã có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu di tích lịch sử, trường học, hệ thống chiếu sáng, giao thông... được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng đồng bộ.
Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao... Với những thành tích đã đạt được, năm 2022 xã Kiêu Kỵ vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Đại diện Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo xã Kiêu K |
Ngoài ra, xã Kiêu Kỵ có 8/20 di tích đình, đền, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và thành phố. Trong đó, đình, đền Kiêu Kỵ là di tích kiến trúc cổ, mang nhiều giá trị về văn hóa lịch sử lâu đời. Trải qua những thăng trầm, biến động, ngày nay, đình, đền Kiêu Kỵ vẫn bảo tồn được khối kiến trúc có giá trị văn hóa cao. Năm 1996, cụm di tích đình, đền, chùa Kiêu Kỵ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Nhằm kịp thời tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích, ngày 6/4/2022, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình, Đền xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm”, tổng mức đầu tư hơn 34,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hơn 30 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Công trình hoàn thành sau 24 tháng thi công.
Mới đây, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Kiêu Kỵ vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; Chứng nhận nghề dát quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Khánh thành công trình đình, đền Kiêu Kỵ.
Biểu dương những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Kiêu Kỵ đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm cũng đề nghị xã tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Củng cố các tiêu chí thành lập phường; Chủ động tham gia, đóng góp ý kiến để thực hiện tốt phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 35NQ/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh; Tiếp tục phát huy sức mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ chung của địa phương.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho xã Kiêu Kỵ |
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đáng chú ý, nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là thành phố sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đang khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề. Đó chính là cơ hội tạo sự bứt phá cho các làng nghề có hướng đi phát triển mang tính chất bền vững.