Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Sống dậy những kỳ bí của văn hóa Chăm
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là niềm tự hào của người dân thành phố, một điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước...
Tổng thống Ấn Độ và phu nhân thăm quan Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng năm 2018. |
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được ví như một viên ngọc quý, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử vô giá của vương quốc Chămpa cổ đại.
Lưu giữ vàng son
Tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương, bên bờ sông Hàn thơ mộng của TP Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là niềm tự hào của người dân thành phố, một điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố biển xinh đẹp.
Theo thông tin từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bảo tàng được xây dựng dựa theo phác thảo ý tưởng của ông Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ - Pháp và được hai kiến trúc sư là Delaval và Auclair thiết kế. Công trình khởi công từ tháng 7/1915 đến tháng 4/1919 thì hoàn thành và mở cửa trưng bày. Công trình nổi bật với kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Pháp kết hợp với những nét đặc trưng của văn hóa Chămpa.
Ban đầu, tòa nhà bảo tàng chỉ có diện tích 370m2, đến năm 1935 được mở rộng thêm hai phòng là phòng Mỹ Sơn và Tháp Mẫm (bây giờ là phòng đón tiếp và phòng trưng bày chuyên đề). Năm 1936, bảo tàng chính thức khánh thành.
Để dễ hình dung về lịch sử hình thành nền văn hóa Chămpa, bảo tàng thiết kế các phòng trưng bày theo lộ trình tham quan để du khách dễ hình dung gồm: Trà Kiệu - Mỹ Sơn - Đồng Dương - Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Tháp Mẫm - Bình Định - Văn khắc. Trên tầng 2 còn có phòng trưng bày gốm Sa Huỳnh - Chămpa, phòng văn hóa và nghề truyền thống Chăm. Ngoài ra còn 2 phòng trưng bày tranh ảnh và 1 phòng trưng bày chuyên đề.
Bên trong bảo tàng hiện có 275 hiện vật đang được trưng bày thường xuyên cùng với đó là nhiều hiện vật quý, những nền văn minh của thời kỳ Chămpa. Phần lớn các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là những tác phẩm nguyên bản trên 3 chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV với đa dạng về phong cách nghệ thuật, hình khối, chạm khắc…
Trong số đó, có 6 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Điển hình là đài thờ Trà Kiệu được tìm thấy vào năm 1918 tại tháp chính ở Di tích kinh đô Trà Kiệu (làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Đây là một đài thờ còn nguyên vẹn 3 phần, gồm: Đế thờ, thân thờ và vật thờ với 4 cạnh chạm nổi hoạt cảnh đám cưới của chàng Rama và nàng Sita trong tác phẩm văn học
Ramayana - bộ sử thi vĩ đại của người Ấn Độ. Đây được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa lúc bấy giờ.
Hay đài thờ Mỹ Sơn E1 được phát hiện tại tháp E1 thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), có niên đại thế kỷ VII-VIII với chất liệu được làm từ đá sa thạch vàng nhạt. Đây là công trình nghệ thuật được lắp ghép từ nhiều khuôn hình chạm nổi mô tả những sinh hoạt đời thường của các tu sĩ Bà-la-môn như: Chơi nhạc, đàm đạo, làm thuốc… Tác phẩm đại diện cho phong cách mở đầu của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Đặc biệt nhất trong những bảo vật quốc gia phải kể đến tượng Bồ tát Laskmindra Avalokitesvara Đồng Dương (còn gọi là tượng Bồ tát Tara) được dân làng Đồng Dương (Bình Định, Thăng Bình, Quảng Nam) phát hiện vào năm 1978.
Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất lớn nhất mang phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa. Tượng cao 1,148m, thể hiện hoá thân của Bồ tát Tara với ngoại hình cân đối, nét mặt hiền hòa, hai tay đưa ra phía trước. Ngoài hình thể, trang phục, kiểu tóc của tượng cũng góp phần khiến cho tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình.
Tóc tượng được tết thành nhiều lọn nhỏ, búi cao hai tầng trên đỉnh đầu. Ở tầng tóc thứ 2 có gắn tượng Phật A Di Đà ngồi xếp bàn. Đây là chi tiết để nhận biết những tác phẩm thể hiện hóa thân Bồ tát. Bức tượng không chỉ mang vẻ đẹp vô cùng thanh thoát, quyến rũ mà còn ẩn chứa sâu bên trong những bí mật của nền văn hóa Chămpa.
Dạo một vòng tìm hiểu và khám phá bảo tàng, du khách như lạc vào một kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo. Nhiều du khách không khỏi cảm thán: “Đến bảo tàng, như thấy lại cả quá khứ vàng son của một dân tộc mà lòng say mê và khả năng sáng tạo nghệ thuật đều ở một trình độ rất cao. Đằng sau đó là cả thế giới thần linh kỳ bí, những câu chuyện bằng hình ảnh, các biểu tượng tôn giáo,... tất cả đều rất ý nghĩa và cực kỳ sống động”.
Theo thống kê của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hằng năm nơi đây đón khoảng 300 ngàn lượt khách đến tham quan, đa số là khách quốc tế. Cùng với đó là các phái đoàn ngoại giao, lãnh đạo các nước như: Phó Thủ tướng Thái Lan (2016); phu nhân Thủ tướng Thái Lan, phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea, phu nhân Tổng thống Peru (APEC 2017); Phó Thủ tướng Singapore, Tổng thống Ấn Độ và phu nhân, Quốc vương Campuchia Norodom Shihamoni (2018)…
Sinh viên Đà Nẵng học tập và tìm hiểu văn hóa Chămpa tại bảo tàng
“Lớp học” lịch sử, văn hóa
Cùng với đón các đoàn du khách, hằng năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn đón tiếp hàng ngàn lượt sinh viên, học sinh đến học tập và tìm hiểu về nền văn hóa Chămpa thông qua các chương trình giáo dục như: “Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Chămpa”, “Phật giáo Chămpa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương” được dành cho sinh viên chuyên ngành…
Mới đây nhất, bảo tàng tổ chức buổi trao đổi chuyên môn với học sinh, sinh viên các trường đại học trên địa bàn với chủ đề “Giới thiệu, trưng bày hiện vật tôn giáo trong không gian bảo tàng”. Được tham quan, trao đổi học thuật tại bảo tàng, học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về nền văn hóa Chămpa hưng thịnh một thời.
Bà Trần Nguyễn Phương Nghi, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) chia sẻ, các buổi trao đổi học thuật là cơ hội để bộ phận nghiệp vụ đang đảm trách công tác trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trên địa bàn Đà Nẵng được giao lưu, học hỏi.
Bảo tàng mong muốn hoạt động có tính thực tiễn cho các đối tượng sinh viên đang theo học các chuyên ngành về lịch sử, văn hóa, bảo tàng,… Qua đó, giúp các em tích lũy thêm kiến thức, phục vụ cho việc học và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Bảo vật quốc gia tượng Gajasimha.
Đài thờ Mỹ Sơn E1.
Tượng bồ tát Tara, một bảo vật quốc gia được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
ThS Nguyễn Ký Viễn, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tham gia các buổi trao đổi học thuật về văn hóa sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức.
“Đây cũng là nền tảng kiến thức quý báu mà sinh viên có thể trang bị cho bản thân trên hành trình trở thành hướng dẫn viên du lịch. Qua những trải nghiệm tại bảo tàng, các em có thể tiếp cận với dự án nghiên cứu về văn hóa đã và đang triển khai, từ đó khơi dậy cảm hứng tìm hiểu và đưa các khía cạnh văn hóa vào nghiên cứu trong du lịch của mình”, ThS Nguyễn Ký Viễn nhìn nhận.
Du khách tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Với em Nguyễn Ngọc Huyền, K26 Khoa Du lịch Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đây là buổi học thuật thứ 2 em tham gia tại bảo tàng và được tham quan kho mở - nơi lưu giữ 2 Bảo vật quốc gia là Bồ tát Tara và Ganesha.
“Những chương trình tham quan học tập tại bảo tàng hết sức ý nghĩa với sinh viên ngành du lịch chúng em. Bởi qua đó giúp chúng em củng cố kiến thức, trải nghiệm thực tế để sẵn sàng bắt đầu công việc sau khi ra trường”, Ngọc Huyền cho hay.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, những buổi trao đổi học thuật, tham quan thể hiện tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tại bảo tàng, đặc biệt là với công chúng trẻ như học sinh, sinh viên.
Theo ông Tuấn, từ kết quả khảo sát nhu cầu của sinh viên và giảng viên chuyên ngành lịch sử, văn hóa, kiến trúc và du lịch trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua, bảo tàng thí điểm triển khai các chương trình giáo dục chuyên đề dành riêng cho nhóm này với hình thức là buổi trao đổi học thuật.
Ông Tuấn khẳng định, những buổi trao đổi học thuật sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều tư liệu, vấn đề mới trong nghiên cứu để từ đó thảo luận, làm rõ hơn về văn hóa Chămpa. Điều này đồng thời giúp người học có tinh thần nghiên cứu khoa học, thêm thông tin tư liệu để sau này ra trường có thể thuyết minh, quảng bá văn hóa Chăm, di sản văn hóa của địa phương đến với bạn bè quốc tế.
Theo báo cáo của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, từ ngày 1/1/2023 đến 30/11/2024, bảo tàng đã phục vụ thuyết minh, hướng dẫn cho tổng số 23.461 khách tham quan, trong đó có 18.766 học sinh, sinh viên tham quan, học tập tại bảo tàng. Cạnh đó, tổ chức 74 buổi hoạt động giáo dục di sản với 7 chủ đề khác nhau cho tổng số 5.238 học sinh từ các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngoài ra, bảo tàng cũng đã xây dựng và triển khai chương trình dành cho đối tượng sinh viên với chủ đề khác nhau với sự tham gia của tổng số hơn 140 sinh viên và giảng viên từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng, việc này giúp sinh viên đang theo học các chuyên ngành về lịch sử, văn hóa, bảo tàng,… được tích lũy thêm kiến thức, phục vụ cho việc học và định hướng nghề nghiệp tương lai.