A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Giang: Khai hội Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam 2023

Tối 8/6, tại TP Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức khai mạc Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023 với chủ đề “Đất thiêng vạn lộc”. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, chứa nhiều nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, cho biết, vùng đất Châu Đốc với hơn 260 năm lịch sử đã ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, cúng viếng.

1. Ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023
Ông Lâm Quang Thi, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023

"Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP Châu Đốc, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ. Bản sắc văn hóa trong lễ hội được cộng đồng duy trì, thực hành, trao truyền, từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh", ông Tuấn nói.

Lễ hội được gắn với chuỗi các sự kiện lớn của thành phố Châu Đốc từ ngày 8 - 14/6 (ngày 21-27/4 Âm lịch), như lễ kỷ niệm 323 năm ngày mất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1700-2023), 194 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829-2023), kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023) và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Châu Đốc (2013-2023).

Tiết mục văn nghệ tại khai mạc Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023.
Tiết mục văn nghệ tại khai mạc Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023.

Sau lễ khai hội, thành phố Châu Đốc tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà. Lễ rước được thực hiện theo đúng nghi lễ cổ truyền thông qua hình thức sân khấu hóa đặc sắc đã tái hiện lại nguồn gốc, lịch sử bà Chúa Xứ.

Trong các ngày diễn ra Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam, cùng với phần nghi lễ trang trọng, để thu hút khách du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc còn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi phục vụ Nhân dân và du khách như biểu diễn múa lân sư rồng; Chương trình văn nghệ mang sắc thái văn hóa 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm...

Cùng với đó, hội thi thả đèn hoa đăng, triển lãm ảnh nghệ thuật, các hoạt động thể thao (quần vợt, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, hội thi leo núi), các trò chơi dân gian (giật cờ, tung cầu, nhảy bao bố, trò chơi vận động liên hoàn), bóng chuyền hơi... cũng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phát biểu tại khai mạc Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023.
Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phát biểu tại khai mạc Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố Châu Đốc, An Giang; Chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ.

"An Giang mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch tỉnh An Giang trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc; Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước", ông Phước nói.

Năm nay, UBND tỉnh An Giang quyết định không thu phí tham quan Khu du lịch quốc gia Núi Sam đối với du khách trong dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 8-14/6.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống của người dân Châu Đốc hàng trăm năm nay. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.

Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ túc yết, lễ xây chầu, lễ chánh tế và lễ hồi sắc...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết