A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa

Những năm qua Đảng bộ, chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa.

Hàng năm quận Thanh Xuân đều xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường việc bảo vệ và khoanh vùng bảo vệ những nơi có di tích, cũng như các di tích đã được xếp hạng. Đến nay, 100% Ban quản lý di tích trên địa bàn quận đã cử người có uy tín, am hiểu về di tích trực tiếp làm công tác quản lý di tích…

Ngành Văn hóa thể thao (VHTT) quận Thanh Xuân còn quan tâm đến việc trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý di tích quận và các phường những kiến thức cơ bản, những nội dung quy định mới về công tác quản lý di tích, đặc biệt là công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Đình Vòng (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)
Đình Vòng (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Năm 2023, quận Thanh Xuân đã tổ chức lớp tập huấn công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa nhằm truyền đạt các nội dung quy định về phân cấp quản lý di tích của UBND thành phố Hà Nội, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Các quy định về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Đặc biệt việc tập huấn, phổ biến những điểm mới quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được Thanh Xuân triển khai nghiêm túc, kịp thời.

Đình Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)
Đình Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)

Bên cạnh đó, quận Thanh Xuân còn quan tâm đầu tư, tôn tạo tu bổ và đưa vào khai thác các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Thanh Xuân cũng tích cực tuyên truyền quảng bá về những giá trị di sản đến người dân, đến cộng đồng để phát triển du lịch.

Quận đã ra mắt trang thông tin “Cụm di tích gắn với lễ hội Năm làng Mọc” sử dụng công nghệ ảnh 360° để tuyên truyền, quảng bá di sản độc đáo này của quận đến Nhân dân và khách du lịch. Các hạng mục của di sản đều được mô tả chi tiết bằng những bức ảnh 360°, đi kèm với thuyết minh song ngữ Việt - Anh. Tổng cộng có tám di tích được giới thiệu, gồm các di tích: Đình, chùa, văn chỉ làng Quan Nhân; Đình, chùa Giáp Nhất; Đình Cự Chính, chùa Bồ Đề…

Lễ hội Năm làng Mọc
Lễ hội Năm làng Mọc

Tuổi trẻ quận Thanh Xuân là lực lượng đi đầu trong việc chuyển đổi số đối với các di tích, di sản trên địa bàn. Các bạn trẻ đã thực hiện gắn mã QR code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

Gắn với các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn quận Thanh Xuân là các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội năm làng Mọc. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/5/2021 và đã được cán bộ, Nhân dân 2 quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận vào năm 2022.

Nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa

Để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng chí Đặng Khánh Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết thời gian tới quận tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đến Nhân dân; gắn bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với công tác phát triển du lịch của quận để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...