A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao nhiều người vẫn bị công an, viện kiểm sát dỏm lừa tiền

Bộ Công an khẳng định cơ quan công an chỉ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi qua chính quyền. Cơ quan điều tra tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội.

Chiều 21/11, Bộ Công an cho biết thời gian qua, tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều, hoạt động tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức khác nhau. Một số vụ lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thủ đoạn gây án là giả danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, sử dụng công nghệ cao ẩn danh dưới số điện thoại giống số công khai của công an, VKS. Họ gọi điện thông báo nạn nhân đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án đang điều tra, đã có lệnh bắt của VKS.

Sau đó, họ yêu cầu bị hại kê khai tài sản, tiền mặt và tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Có người dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng kiểm soát tài khoản. Khi gọi điện, tội phạm lừa đảo yêu cầu bị hại không được nói với ai. Mục đích để nạn nhân không có thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo công an. Nhiều người không có sai phạm, nhưng khi bị đe dọa, họ lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết bị lừa.

Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKS để gửi cho nạn nhân.

Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKS để gửi cho nạn nhân

Theo Bộ Công an, bị hại chủ yếu là người ít cập nhật thông tin, thiếu ý thức cảnh giác, không có kiến thức bảo mật thông tin hay hiểu biết về các hoạt động tố tụng.

Bộ Công an khẳng định cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra đều làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ của tổ chức, cá nhân. Công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Để tránh bị lừa, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai không quen biết, hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp tin nhắn vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền hoặc mượn tài khoản ngân hàng, người dân tuyệt đối không làm theo. Người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội...

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân không nên tỏ ra lo sợ, cần nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Nếu nghi ngờ ai đó hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể thông báo cho công an địa phương, hoặc tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết