Vì sao Ả Rập Xê Út là bối cảnh hoàn hảo cho các cuộc đàm phán?
Ả Rập Xê Út được coi là quốc gia đã duy trì lập trường trung lập, thúc đẩy đối thoại dựa trên lợi ích thực tế của tất cả các bên tham gia.
![]() |
Các đại biểu Mỹ, Ả Rập Xê Út và Nga tại Cung điện Diriyah ở Riyadh, ngày 18/2/2025. |
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, các quốc gia Trung Đông thường xuyên được nhắc đến trên phương tiện truyền thông như những người trung gian trong cuộc đối thoại giữa phương Tây và Nga.
Họ đã tích cực tham gia vào các nỗ lực nhân đạo, chẳng hạn như trao đổi tù nhân, và đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của quá trình đàm phán.
Gần đây nhất và có lẽ quan trọng nhất, Ả Rập Xê Út đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ trong ba năm, diễn ra vào ngày 18/2/025.
Các cuộc đàm phán đã quy tụ những đại diện chủ chốt từ cả hai bên.
Phái đoàn Nga gồm Cố vấn Chính sách Đối ngoại của Tổng thống, Yuri Ushakov; Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, và ông Kirill Dmitriev - Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF).
Đại diện cho Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio; Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên về Hòa bình Trung Đông Stephen Whitkoff.
Nhìn chung, cuộc họp diễn ra trong bầu không khí cởi mở, tích cực, chủ yếu mang tính tham vấn, nhằm khởi xướng đối thoại và đặt nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Cả hai bên đều thừa nhận nhu cầu xem xét lợi ích chung và nỗ lực khôi phục các kênh liên lạc, có thể đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đàm phán tiếp theo và thỏa hiệp về các vấn đề chính.
Tại sao lại là Riyadh?
Ả Rập Xê Út không chỉ đóng vai trò là bên trung gian trong cuộc xung đột ở Ukraine mà còn đặt nền tảng cho cuộc đối thoại tiềm năng giữa Moscow và Washington - một sáng kiến cuối cùng có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nhờ sức nặng ngoại giao và vị thế chiến lược của mình, Riyadh đã thiết lập được một nền tảng giao tiếp ngay cả trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, vào thời điểm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Mỹ phần lớn đã bị đình chỉ.
Việc chọn Ả Rập Xê Út làm trung gian không phải là ngẫu nhiên. Vương quốc này chiếm một vị trí độc nhất trong chính trị toàn cầu: duy trì mối quan hệ ổn định và cùng có lợi với Moscow, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời cũng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị Mỹ.
Đáng chú ý, Riyadh đã tạo dựng mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với chính quyền Trump trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống. Do đó, Ả Rập Xê Út đã trở thành kênh hậu thuẫn quan trọng để truyền tải thông điệp giữa Nga và các nhóm chính trị Mỹ quan tâm đến việc hạ nhiệt căng thẳng.
Ngoài những cân nhắc về địa chính trị, cách tiếp cận ngoại giao của Ả Rập Xê Út đóng vai trò quyết định. Vương quốc này đã duy trì lập trường thực sự trung lập, không đứng về phía bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và tuân thủ các nguyên tắc của ngoại giao đa phương.
Không giống như phương Tây, Riyadh không cố gắng áp đặt các giải pháp hoặc tối hậu thư được thiết lập trước; thay vào đó, họ đã thúc đẩy đối thoại dựa trên lợi ích khách quan của tất cả các bên liên quan. Chính sách cân bằng này đã cho phép Ả Rập Xê Út trở thành một giao điểm hiếm hoi của lợi ích của Nga, Mỹ và Ukraine.
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và sự suy yếu của các thể chế quốc tế, Ả Rập Xê Út đã chứng minh rằng, Trung Đông không chỉ là sân khấu cho các cuộc xung đột mà còn là trung tâm cho các sáng kiến ngoại giao.
Bằng cách đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán mới giữa Moscow và Washington, Riyadh đã mở ra những khả năng mới để khơi dậy lại đối thoại - một cuộc đối thoại có thể thay đổi không chỉ quỹ đạo của cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn cả bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ Mỹ-Nga.
Cuối cùng, thành công của những nỗ lực hòa giải này có thể trở thành bước ngoặt trong việc định hình một kiến trúc an ninh toàn cầu mới, nơi quyền lực không chỉ tập trung vào các trung tâm truyền thống mà còn ở các quốc gia có tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt về ngoại giao - chẳng hạn như Ả Rập Xê Út.