Từ ánh mắt học trò đến nhịp bước công nhân: Tự hào hai tiếng Việt Nam!
Nhiều câu chuyện, hình ảnh xúc động gắn với lá cờ Tổ quốc, lễ chào cờ… khiến mỗi chúng ta càng thấy thêm tự hào là người Việt Nam!
Những ngày này, trên khắp đất nước Việt Nam, từ con phố tràn ngập cờ đỏ sao vàng, đến các bản tin dồn dập nhịp bước thời đại, đâu đâu cũng thấy lòng người hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Giữa muôn vàn sự kiện rộn ràng, có những hình ảnh rất đời thường, rất giản dị mà lay động sâu sắc, như ánh mắt học trò đứng nghiêm chào cờ dù đến trường muộn, hay hình ảnh hàng nghìn công nhân dừng tay nghiêm trang hướng về quốc kỳ, bạn trẻ tự hào check-in cùng lá cờ Tổ quốc...
![]() |
Nhóm học trò trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) đến trường muộn vào sáng thứ Hai đã đứng nghiêm chào cờ ngoài cổng trường khi trong trường đang tiến hành lễ chào cờ... nhận nhiều lời khen. Ảnh: DV |
Những hình ảnh đó không chỉ là khoảnh khắc đẹp, mà còn là những bài học sống động về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
Lá cờ không chỉ bay trong gió mà phơi phới trong lòng người
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền bức ảnh nhóm học sinh trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) đứng nghiêm chào cờ trước khi vào trường, dù các em đi học muộn. Không ai bắt buộc, không ai ra lệnh… nhưng các em vẫn chọn đứng lại, mắt hướng quốc kỳ. Chào cờ trước rồi các em mới xin phép bác bảo vệ vào lớp…. Khoảnh khắc ấy chạm đến trái tim hàng triệu người. Có lẽ chính sự vô tư, chân thật và tự nhiên của các em mới khiến hình ảnh ấy xúc động đến vậy. Bởi không cần đến khẩu hiệu rầm rộ hay bài giảng dài dòng, tình yêu nước được gieo mầm từ những điều giản dị, như một buổi lễ chào cờ, một bài Quốc ca được hát bằng tất cả lòng tôn kính, một thái độ nghiêm trang khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc…
![]() |
Nhiều công ty tiến hành tổ chức lễ chào cờ với hàng ngàn công nhân mặc áo cờ đỏ sao vàng tạo hình ảnh ấn tượng. Ảnh: baonghean |
Các thể hiện của nhóm học sinh là bóng dáng của một nền giáo dục có chiều sâu. Đó là kết quả của những bài học về lịch sử dân tộc, về máu xương cha ông đổ xuống cho ngày độc lập hôm nay. Là kết tinh của những buổi sinh hoạt dưới cờ, những giờ học kể chuyện chiến sĩ cách mạng, những dòng thơ, câu hát về Bác Hồ, về “con đường giải phóng miền Nam” năm xưa. Cũng chính trong hành động ấy của các em ở lứa tuổi học sinh, người lớn như chúng ta được soi lại mình về nghiêm cẩn, sự tự hào khi đứng dưới lá cờ thiêng liêng.
Tự hào rằng: “Tôi là người Việt Nam”!
Không chỉ có học trò. Trong những ngày này, hình ảnh hàng vạn công nhân tại các khu công nghiệp dừng tay để chào cờ khiến ai nhìn thấy cũng phải nghẹn ngào. Giữa nhà xưởng ồn ào, máy móc rền vang, giây phút họ đồng loạt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, nghiêm trang hát Quốc ca – đã biến nơi làm việc thành một không gian thiêng liêng.
Lễ chào cờ được nhiều doanh nghiệp tổ chức đều đặn vào sáng thứ Hai hàng tuần, nhưng trong dịp lễ 30/4 – 1/5, buổi lễ mang một ý nghĩa đặc biệt. Những con người công nhân lao động với niềm tự hào dưới cờ Tổ quốc chính là hiện thân rõ nhất của một đất nước thanh bình, đang bước đi vững chắc bằng chính đôi chân của mình.
Không khí tự hào ấy cũng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Tại nhiều tuyến phố, di tích lịch sử hay quảng trường trung tâm ở các thành phố, các bạn trẻ trong tà áo dài, trong trang phục truyền thống… đã đổ ra đường check-in cùng quốc kỳ, ghi lại những khoảnh khắc đẹp với biểu tượng Tổ quốc. Họ chụp ảnh với niềm tự hào rằng: “Tôi là người Việt Nam”!
Giáo dục truyền thống từ trường học
Giáo dục truyền thống không nhất thiết phải là những chương trình đồ sộ, những lễ hội tốn kém hay các chiến dịch rầm rộ. Đôi khi, nó bắt đầu từ việc thầy cô nhắc học trò đứng nghiêm khi hát Quốc ca, từ những cuộc thi tìm hiểu lịch sử 30/4, từ những giờ dạy kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… hay từ việc trang trí lớp học rực sắc đỏ với cờ đỏ sao vàng mỗi dịp lễ lớn.
Nhiều trường học tại Hà Nội đã “nhuộm sắc đỏ” để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại đây, các em học sinh tự tay vẽ tranh cổ động, làm mô hình lịch sử, sáng tác thơ văn về ngày đại lễ. Đó chính là cách giáo dục truyền thống thấm dần, như mạch nước ngầm âm ỉ nhưng bền bỉ, hun đúc nhân cách, khơi dậy tình yêu quê hương từ những điều rất thật, rất gần.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là một ngày lễ, đó là mốc son của cả dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, khi các em học sinh đến muộn giờ học nhưng đã đứng nghiêm chào cờ bên ngoài cổng trường. Hàng ngàn công nhân tạm dừng sản xuất để hát vang Quốc ca hay các bạn trẻ kiêu hãnh cầm quốc kỳ trước tượng đài chiến thắng… Đó là khi lịch sử không còn xa cách, mà đang hiện hữu, sống động, chân thật ngay trong mỗi người Việt Nam.
Trong những ngày trọng đại này, mỗi người Việt Nam đều có thể thấy mình trong dáng hình đất nước. Dù là người lính đã từng đi qua chiến tranh hay bạn trẻ trên ghế nhà trường, dù là công nhân ở khu công nghiệp hay sinh viên vừa ra trường… tất cả đều đang sống trong dòng chảy thiêng liêng của lịch sử. |