A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toan tính của Triều Tiên khi bắn tên lửa qua Nhật Bản

Trong khi một số chuyên gia cho rằng vụ thử được lên kế hoạch từ trước và mang nặng tính kỹ thuật, số khác nhận định đây là động thái chuẩn bị cho một vụ việc lớn hơn.

trieu tien phong ten lua anh 1

Sáng 4/10, người dân Nhật Bản được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn, sau khi lực lượng phòng vệ bờ biển ghi nhận một tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này rồi rơi xuống Thái Bình Dương, Reuters cho biết.

Theo thống kê của CNN, đây là vụ phóng tên lửa thứ 23 trong năm của Triều Tiên. Để so sánh, Bình Nhưỡng chỉ thử tên lửa 4 lần năm 2020 và 8 lần năm 2021.

Đây cũng đã là vụ thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng trong 10 ngày. Tần suất dày đặc này khiến giới phân tích tranh luận về nguyên nhân của các cuộc thử nghiệm: Kỹ thuật, chính trị hay để chuẩn bị cho hành động lớn hơn?

Thông số tên lửa

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa vừa qua đã bay được quãng đường 4.600 km với độ cao khoảng 1.000 m. Tốc độ tối đa của tên lửa đạt Mach 17 - tức gấp 17 lần vận tốc âm thanh trong không khí.

Với tầm bắn này, tên lửa có thể dễ dàng vươn tới căn cứ Guam của Mỹ giữa Thái Bình Dương, vốn chỉ cách Triều Tiên khoảng 3.380 km.

trieu tien phong ten lua anh 2

Đường bay của tên lửa. Đồ họa: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu nhận định đây nhiều khả năng là tên lửa Hwasong-12 - loại tên lửa đạn đạo tầm trung được thử nghiệm lần cuối hồi tháng 1 năm nay. Hai chuyên gia của CNN cũng đưa ra nhận định tương tự từ thông số kỹ thuật của vụ thử.

"Đây là loại tên lửa mà Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm từ năm 2017. Do đó, đây không hẳn là loại tên lửa mới", ông Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Mỹ), nhận định.

Dù vậy, ông Lewis chỉ ra vụ phóng lần này có ý nghĩa lớn vì thể hiện khoảng cách mà tên lửa có thể di chuyển.

"Triều Tiên sở hữu nhiều loại tên lửa có tầm bắn ngắn hơn, không đủ để bay qua Nhật Bản. Tuy nhiên, họ có một số tên lửa có khả năng này", vị chuyên gia nói.

Động thái leo thang

Triều Tiên thường chỉ phóng tên lửa ra vùng biển phía đông nước này. Do đó, vụ việc vừa qua được coi mang tính thách thức hơn nhiều đối với Tokyo - cả ý nghĩa thực tế lẫn biểu tượng.

Các vụ phóng không thông báo trước như vậy có thể đem lại nguy cơ với máy bay và tàu thuyền đi qua khu vực, khi họ không biết đâu là nơi cần tránh tiếp cận.

Đặc biệt, nếu vụ phóng thất bại và tên lửa rơi xuống giữa lộ trình bay, các khu dân cư lớn có thể gặp nguy hiểm. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu, tên lửa vừa qua của Triều Tiên bay qua vùng Tohoku của Nhật Bản, nơi có hơn 8 triệu dân.

trieu tien phong ten lua anh 3

Người dân thủ đô Seoul (Hàn Quốc) theo dõi thông tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại một ga tàu. Ảnh: Reuters.

Trong quá khứ, các máy bay của Mỹ từng phải hạ cánh như biện pháp đề phòng mỗi khi Bình Nhưỡng quyết định phóng tên lửa. Tháng 11/2017, một số phi công trên các máy bay thương mại từng nhìn thấy tên lửa của Triều Tiên bay qua trên biển Nhật Bản.

Dù vậy, ông Lewis nhấn mạnh nguy cơ là khá thấp, đặc biệt khi tên lửa rơi ở Thái Bình Dương - do đó chúng ở độ cao khá lớn khi bay qua Nhật Bản. Vị chuyên gia nhận định vụ việc chủ yếu mang tính biểu tượng vì "việc bắn tên lửa qua đầu hàng xóm là hành động gây hấn".

"Đối với Nhật Bản, điều này dường như là sự vi phạm chủ quyền", ông Lewis nói. "Nếu Nga bắn tên lửa qua Florida, chúng ta (Mỹ) cũng sẽ rất tức giận".

Tính toán của Bình Nhưỡng

Các chuyên gia có quan điểm tương đối khác biệt về nguyên nhân Triều Tiên thực hiện vụ thử tên lửa vừa qua.

Ông Robert Ward, chuyên gia an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến lược (IISS), chỉ ra Tokyo đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh, từ Nga tới Trung Quốc.

"Triều Tiên có thể muốn tận dụng tình hình quốc tế không ổn định, điều họ coi là có lợi", ông nói.

Ông Lewis không đồng ý với nhận định này. Theo ông, dù có những lúc Bình Nhưỡng phóng tên lửa để đáp trả hành động của phương Tây, hầu hết thời điểm Triều Tiên "có lịch trình của riêng mình".

"Tôi không nghĩ chúng ta tác động nhiều tới tới điểm (phóng tên lửa)", ông Lewis nói.

trieu tien phong ten lua anh 4

Một bảng điện tử tại nhà ga Sapporo (Nhật Bản) thông báo về việc trễ tàu do vụ phóng của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Một vụ phóng lúc này có cả nguyên nhân thực tiễn: Triều Tiên thường ít phóng tên lửa vào mùa hè vì thời tiết xấu. Họ sẽ thực hiện trở lại vào mùa thu hoặc đầu mùa đông, khi thời tiết tốt hơn.

Ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng và quân sự tại IISS, bổ sung rằng đường bay của tên lửa có thể chỉ nhằm thử nghiệm tốt hơn.

Các tên lửa này có tầm hoạt động khá xa. Do đó, khi bắn qua Nhật Bản, Triều Tiên có thể nghiên cứu mức độ chính xác ở khoảng cách lớn, khả năng chống chọi với các lực tác động cùng nhiều nhân tố khác - thay vì bắn lên cao để tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản.

Trong khi đó, nhà phân tích Chad O'Carroll của NK News nhận định vụ thử tên lửa lần này có thể là động thái của Bình Nhưỡng nhằm đánh giá phản ứng của Trung Quốc và Nga trước vụ thử hạt nhân sắp tới - điều Washington và Seoul đã cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông O'Carroll cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang kỳ vọng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phản ứng trước vụ phóng, qua đó cho họ cái cớ để thực hiện thử hạt nhân.

Triều Tiên sẽ làm gì?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng "nhanh nhất có thể". Các chuyên gia nhận định vụ phóng vừa qua là một phần của chiến lược đó.

"Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa đến khi hoàn thành việc hiện đại hóa chúng", ông Lewis nói, nhận định vụ thử hạt nhân có thể đến "bất cứ lúc nào".

Mỹ - Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên sắp thử hạt nhân qua hình ảnh vệ tinh. Ảnh: Maxar Technologies.

Kể từ tháng 5, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo về khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ bảy, dựa trên hình ảnh vệ tinh từ các khu vực thử nghiệm ngầm. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng trong gần 5 năm.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng có khả năng tiếp tục thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo khác. Bên cạnh Hwasong-12, Triều Tiên còn sở hữu ba loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bay qua Nhật Bản. Dù vậy, chúng chưa bao giờ được thử nghiệm "ở tầm bắn tối đa", theo ông Lewis.

"Vụ phóng lần này có thể chỉ là khởi đầu cho vụ việc chính - điều vẫn chưa xảy đến", ông nói. "Tôi cho rằng khi Triều Tiên tự tin hơn về một loại ICBM, họ sẽ phóng chúng tới khoảng cách xa nhất và bay qua Nhật Bản".

Ông Leif-Eric Easley, phó giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định Triều Tiên có thể chờ sau khi Trung Quốc tổ chức xong đại hội đảng đến thực hiện các cuộc thử nghiệm lớn hơn.

"(Triều Tiên) đang phát triển các loại vũ khí như đầu đạn hạt nhân chiến thuật và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đây là một phần của chiến lược dài hạn nhằm vượt qua Hàn Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang và gây chia rẽ trong các đồng minh của Mỹ", ông Easley nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...