Trường đại học thành viên có cần thiết chế Hội đồng trường?
Góp ý dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), PGS.TS.Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) quan tâm đến quy định Hội đồng trường.
![]() |
Giờ học tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. |
Những điểm đổi mới quan trọng
PGS.TS.Võ Văn Minh cho rằng, trong tiến trình đổi mới và phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành khuôn khổ pháp lý nền tảng cho một hệ thống đại học hiện đại, tự chủ, minh bạch và hội nhập.
Dự thảo luật lần này đã thể hiện một bước tiến đáng ghi nhận, với nhiều nội dung sâu sắc, tiếp cận kịp thời các xu hướng quốc tế và phù hợp với thực tiễn quản trị giáo dục trong nước.
Trước hết, cần ghi nhận những điểm đổi mới quan trọng trong Dự thảo lần này. Việc xác lập quyền tự chủ là quyền pháp định, thay vì là quyền được trao có điều kiện, là một bước chuyển về tư duy quản trị.
Dự thảo cũng đã bổ sung nhiều khái niệm hiện đại như tự do học thuật, cơ sở dữ liệu giáo dục đại học, đầu tư công – tư, phản ánh đúng nhịp đập của giáo dục trong thời đại số.
Đặc biệt, tinh thần “kiến tạo phát triển” thay vì “quản lý hành chính” đang được thể hiện rõ hơn qua các quy định về chuẩn cơ sở giáo dục, hậu kiểm và phân tầng hệ thống.
Góp ý quy định về Hội đồng trường
Góp ý dự thảo Luật, PGS.TS.Võ Văn Minh cho rằng: Các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia và Đại học vùng đều là cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, có sứ mệnh riêng, thương hiệu riêng và lịch sử phát triển gắn với từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể.
Việc duy trì Hội đồng trường tại các trường này không chỉ là bảo đảm quyền tự chủ, mà còn là một thiết chế đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và cộng đồng xã hội trong quản trị nhà trường. Hội đồng trường giúp nâng cao năng lực phản biện, kiểm soát quyền lực, giám sát hoạt động điều hành và kết nối nhà trường với thị trường lao động, xã hội và doanh nghiệp.
Nếu xóa bỏ Hội đồng trường, các trường đại học thành viên sẽ không còn là một đại học “thực thụ”, mà trở thành “trường thuộc” trong một hệ thống hành chính tập trung.
Không chỉ vậy, việc không còn Hội đồng trường còn dẫn tới nguy cơ làm mờ ranh giới giữa điều phối và điều hành, khiến các đại học vùng hoặc đại học quốc gia rơi vào trạng thái “vừa làm chiến lược, vừa làm quản trị cụ thể”.
“Việc giữ lại Hội đồng trường ở cấp trường thành viên là tiền đề để nhìn nhận đúng bản chất của mô hình Đại học Quốc gia, Đại học vùng - đó là những hệ thống đại học (university system) chiến lược, được tổ chức đặc biệt theo quyết định của Chính phủ, gồm nhiều trường thành viên có học hiệu và pháp nhân riêng”, PGS.TS.Võ Văn Minh cho hay.
PGS.TS.Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).
Cần phân biệt mô hình “một đại học - nhiều school” với Đại học Quốc gia, Đại học vùng
Trong bối cảnh mới, cần nhìn nhận các Đại học Quốc gia và Đại học vùng không chỉ là tổ chức hành chính trung gian, mà là những thiết chế học thuật có vai trò đầu tư chiến lược, nơi quy tụ nguồn lực và tri thức để thực hiện những nhiệm vụ lớn của quốc gia và từng vùng lãnh thổ.
Cụ thể, theo PGS.TS. Võ Văn Minh, cần định hướng rõ ràng:
Thứ nhất, Đại học Quốc gia và Đại học vùng được Nhà nước đầu tư phát triển các ngành khoa học cơ bản, các khoa học liên ngành - những lĩnh vực ít có khả năng thu hút đầu tư tư nhân nhưng thiết yếu với nền khoa học quốc gia.
Thứ hai, Đại học Quốc gia và Đại học vùng cùng một số trường đại học kỹ thuật trọng điểm được đầu tư trọng điểm để đào tạo các ngành công nghệ chiến lược, kỹ thuật then chốt trong kỷ nguyên chuyển đổi số, tự động hóa và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, Đại học Quốc gia và Đại học vùng cùng với các trường đại học sư phạm trọng điểm được đầu tư trọng tâm để đào tạo đội ngũ giáo viên quốc gia – yếu tố quyết định chất lượng giáo dục phổ thông.
Như vậy, cần giữ nguyên mô hình đa tầng: mỗi trường đại học thành viên có Hội đồng trường, vận hành theo sứ mệnh riêng; còn đại học cấp hệ thống (quốc gia hoặc vùng) làm nhiệm vụ chiến lược - không điều hành trực tiếp, mà điều phối và tạo động lực phát triển liên ngành, liên vùng.
Từ những phân tích trên, PGS.TS.Võ Văn Minh góp ý, Luật cần khẳng định trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia và Đại học vùng là cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, có học hiệu, có sứ mạng riêng và được quản trị bởi Hội đồng trường.
Đồng thời, cần phân biệt rạch ròi giữa mô hình “một đại học – nhiều school” với mô hình Đại học Quốc gia và Đại học vùng; vì các trường thành viên thuộc hệ thống đại học quốc gia và vùng vốn được xây dựng từ nền tảng các trường đại học độc lập, có lịch sử, bản sắc.
Cũng cần luật hóa để hướng đến ban hành một Nghị định riêng quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của các đại học đặc biệt: Đại học Quốc gia, Đại học vùng, cũng như các trường đại học có sứ mệnh đặc biệt như sư phạm và trường Y – Dược. Đây là hành lang pháp lý cần thiết để các thiết chế này thực hiện tốt sứ mệnh quốc gia.
“Tóm lại, giữ Hội đồng trường tại các đại học thành viên là giữ lại tính tự chủ, trách nhiệm và bản sắc của từng trường. Còn giữ mô hình đại học quốc gia và đại học vùng – các university system là giữ lại thiết chế đặc biệt để đầu tư trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh có rất nhiều biến động bất thường, khó dự báo của thế giới hôm nay”, PGS.TS.Võ Văn Minh nêu quan điểm.