A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin sáng 18/3: Nghiên cứu đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm; F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch COVID-19; Nếu bạn là F0 nhưng vẫn làm việc mà được trả lương thì không được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH.

Việt Nam nghiên cứu đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm

Tin sáng 18/3: Chính thức đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm; F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; - Ảnh 2.

Tất cả người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Ảnh: Phạm Hải

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết, căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Với mục tiêu tổng quát là bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết đặt ra các mục tiêu cụ thể đó là: Đến hết quý I năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm.

Bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9 năm 2022.

Tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của Châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

100% các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch.

Bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Nghị quyết cũng nêu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại

Tin sáng 18/3: F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại - Ảnh 2.

Phố Tạ Hiện ở quận Hoàn Kiếm, được xem là khu "phố Tây" duy nhất ở Hà Nội, bình thường rất đông đúc và náo nhiệt trở nên vắng vẻ trong thời gian dài do dịch COVID-19. Ảnh: NLĐ

Từ ngày 18/3, phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ tại Hà Nội sẽ mở cửa trở lại sau gần 1 năm phải tạm dừng vì dịch COVID-19.

Hầu hết các tiểu thương, các cơ sở kinh doanh ai ai cũng vui trước thông tin này. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, không ít người cũng vẫn lo lắng, vừa làm vừa thăm dò.

Một quán cafe ở khu vực này hiện có 6 nhân viên phục vụ, trong đó 3 người mới được tuyển đầu tuần. Không gian quán được trang hoàng lại, bàn ghế, đồ đạc được lau chùi, sát khuẩn 1 lượt.

Người kinh doanh ở phố cổ Hà Nội phấn khởi nhưng cũng còn dè dặt, nhập hàng cầm chừng bởi vì chưa biết lượng khách thế nào và sau dịch khách cũng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, điều họ chờ đợi nhất, bên cạnh việc phố đi bộ và chợ đêm hoạt động trở lại là sự xuất hiện của khách quốc tế.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng những kịch bản cho việc mở cửa trở lại phố đi bộ, chợ đêm và đón khách quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Người đến khu vực này vẫn phải tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn. Quận sẽ triển khai lực lượng an ninh đi kiểm tra nhắc nhở việc đeo khẩu trang thường xuyên. Khu vực chợ đêm và phố đi bộ đều có các chốt kiểm soát dịch phòng trường hợp có F0 thì đưa vào cách ly…".

Theo kế hoạch, phố đi bộ và chợ đêm sẽ mở cửa từ 19h - 24h thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.

F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?

Tin sáng 18/3: F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại - Ảnh 3.

Đến khai báo y tế và làm thủ tục BHXH tại trạm y tế cơ sở. Ảnh: LP

Bạn đọc hỏi: Tôi là F0 và vẫn làm công việc của doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến. Vậy tôi có được hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội (BHXH)? Thông tin về việc vừa được hưởng lương, vừa hưởng chế độ ốm đau từ BHXH có đúng không? Ngoài hưởng chế độ ốm đau từ BHXH có được hỗ trợ nào khác không từ đoanh nghiệp?

Về vấn đề này thông tin như sau:

Với triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, nhiều người lao động là F0 vẫn có thể tiếp tục làm việc trực tuyến tại nhà theo yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp.

Trường hợp bị mắc COVID-19 khiến sức khỏe bị suy giảm, người lao động cần phải nghỉ ngơi để điều trị. Lúc này, những người lao động có tham gia BHXH sẽ được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc; Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền; Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.

Theo quy định trên, người lao động phải nghỉ làm vì lý do bị ốm đau thì mới được hưởng chế độ BHXH. Do đó, nếu F0 vẫn đủ sức khỏe để làm việc trực tuyến và nhận đủ lương từ phía doanh nghiệp thì sẽ không được quỹ BHXH thanh toán tiền ốm đau.

Việc không giải quyết BHXH cho người lao động là F0 có đủ sức khỏe để làm việc bởi khoản 1 Điều 3 Luật BHXH đã nêu rõ, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,...

Trường hợp bạn hỏi về F0 vẫn nhận lương và khai báo cả nhận tiền BHXH là sai quy định. Người lao động là F0 phải nghỉ làm khi điều trị COVID-19 thì mới được thanh toán tiền BHXH và sẽ không được hưởng tiền lương từ phía doanh nghiệp.

Do đó, vấn đề bạn hỏi về trường hợp người lao động là F0 vẫn làm việc và nhận đủ lương nhưng kê khai thông tin không đúng sự thật để hưởng BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều sẽ bị xử phạt theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Cụ thể như sau: Người lao động kê khai không đúng sự thật những nội dung có liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt 1 - 2 triệu đồng (Điểm a khoản 1 Điều 40).

Người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt 10 - 20 triệu đồng/hồ sơ vi phạm nhưng tối đa là 75 triệu đồng (Khoản 2 Điều 40)

Đồng thời, người lao động buộc nộp lại số tiền bảo hiểm xã hội đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 3 Điều 40).

Về các khoản hỗ trợ khác phụ thuộc nhiều vào nguồn lực của đơn vị, doanh nghiệp bạn công tác. Để hỗ trợ người lao động bị F0 có thêm thu nhập để mua thuốc và bồi bổ, nhiều doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền lương theo thỏa thuận.

Đây được xem là một khoản phúc lợi hợp pháp mà pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để người lao động có thêm nhiều quyền lợi. Điều này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động như sau: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, nếu bạn là F0 nhưng vẫn làm việc mà được trả lương thì không được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH. Nếu khai để nhận cả lương lẫn trợ cấp ốm đau từ BHXH là sai với quy định Luật BHXH.

Hà Nội sẽ cho học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp dựa vào "số ca mắc"!

 Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương căn cứ vào số ca mắc chủ động quyết định việc học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp.

Chỉ đạo nêu trên được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra sáng 17/3.

Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, tuần qua tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh; tình hình dạy học trực tiếp tại các trường vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của thành phố và ngành giáo dục.

Trước diễn biến của dịch COVID-19, bà Hoa đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền cập nhật thông tin đầy đủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để cho học sinh trở lại trường.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số ca mắc để chủ động quyết định việc dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 7-12 phù hợp tình hình mới.

Đề xuất coi cấp chứng nhận F0, F0 khỏi bệnh như một dịch vụ công trực tuyến

Mới đây, Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ TT&TT chỉ ra rằng, việc bệnh nhân COVID-19 tự điều trị tại nhà đã giúp giảm tải áp lực điều trị cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc này lại đang tạo ra một áp lực khác, đó là thủ tục chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh.

Theo đó, vì số lượng F0 tăng vọt trong một thời gian ngắn, trong khi lực lượng nhân viên y tế lại rất mỏng nên thực tế đã xảy ra tình trạng quá tải ở nhiều cơ sở y tế. Thực trạng này cũng khiến một bộ phận người dân sau khi tự test nhanh COVID-19 tại nhà cho kết quả dương tính đã không khai báo với lực lượng chức năng.

Hậu COVID-19 ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ, cách nào để phát hiện?

Tin sáng 18/3: F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại - Ảnh 4.

Hơn 2 tuần sau khi âm tính SARS-CoV-2, bé gái 10 tuổi bất ngờ ho nhiều, thở hụt hơi, phổi thông khí kém, kết quả chụp CT thấy hình ảnh viêm phổi, phải nhập viện điều trị ngay.

Bé được mẹ đưa đến khám tại một bệnh viện tư nhân ở Phú Thọ sau khi có kết quả âm tính SARS-CoV-2 được 15 ngày. Suốt 2 tuần khi đã khỏi bệnh, bé không còn bất kì triệu chứng nào như ho, sốt,… Tuy nhiên cách 2 ngày vào viện bé xuất hiện ho khan nhiều, không có đờm, không đau ngực, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện khám.

Bác sĩ tư vấn bé cần nhập viện điều trị vì bé thở hụt hơi, phổi thông khí kém, kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy hình ảnh viêm phổi. Kết quả khám của bé khiến gia đình bất ngờ vì sau khi khỏi bé không hề có biểu hiện bất thường nào của sức khỏe trong 15 ngày.

Hội chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy chia sẻ, trong lần khám hậu COVID-19 gần đây cho gần 20 trường hợp nhận thấy, hậu COVID-19 có ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ em. "Có 30% có tổn thương phổi ở mức độ nhẹ" – BS Thúy nói.

Vấn đề là mức độ ảnh hưởng ra sao và làm sao để phát hiện ra được những ảnh hưởng này?

Theo lời khuyên của BS. Thuý, bố mẹ phải quan sát xem trẻ có mệt không? Trẻ leo cầu thang có mệt hay hụt hơi hay không hoặc trẻ ít chạy nhảy, thở hổn hển? Không đợi đến khi trẻ tiến triển nặng, khó thở rồi mới đi khám.

Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định chụp tim phổi, đo chức năng hô hấp đối với trường hợp có nguy cơ. Tuy nhiên, việc đo chức năng hô hấp chỉ thực hiện được với trẻ từ 6 tuổi trở lên, vì các bé này mới có sự phối hợp với nhân viên y tế. Còn trẻ nhỏ chỉ chụp đơn thuần, nếu có bất thường có thể chụp CT để xác định tổn thương ở mức độ nào.

Những trẻ có tổn thương phổi thực sự sẽ có những xử trí khác nhau tùy theo mức độ nặng - nhẹ. Trẻ lớn trên 12 tuổi có thể được tập những bài tập như người lớn; trẻ nhỏ tập phục hồi chức năng nhẹ nhàng như thổi bóng, tập tăng dần cường độ...

Trẻ cần tiếp tục vệ sinh mũi họng hàng ngày, khuyến khích trẻ đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng để thích nghi dần vì thường hậu COVID-19 ở trẻ không nặng - chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo.

Lào Cai cho phép mở lại các dịch vụ vui chơi, giải trí

Tin sáng 18/3: F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: TTXVN

Từ ngày 18/3, các xã, phường, thị trấn có dịch COVID-19 ở cấp độ 3 cho phép vũ trường, quán bar, karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử được hoạt động trở lại.

Đây là nội dung công văn số 982-UBND/VX do UBND tỉnh Lào Cai ban hành ngày 16/3 về việc nới lỏng một số hoạt động thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đối với các xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 4, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố giao UBND cấp huyện căn cứ tình hình dịch cụ thể của địa phương, hướng dẫn thực hiện các hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch.

Hành hung nhân viên y tế vì được yêu cầu đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19

Tin sáng 18/3: F0 vẫn làm việc trực tuyến tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?; Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đón khách trở lại - Ảnh 6.

Đối tượng Đỗ Xuân Cường (sinh năm 1976, là anh ruột của Đại) tại Công an thị xã An Khê, Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Vụ việc được Công an thị xã An Khê xác minh, vào lúc 21h15 ngày 15/3, Đỗ Xuân Đại (sinh năm 1986, trú tổ 3, phường An Phước, thị xã An Khê) đưa vợ là Huỳnh Thị Mến (sinh năm 1993) đến Trung tâm Y tế thị xã An Khê cấp cứu do bị hạ canxi, tay chân co rút.

Khi đến Trung tâm Y tế thị xã An Khê, điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1988, trú tổ 14, phường An Phú, thị xã An Khê) đón bệnh nhân Mến và đưa vào phòng cấp cứu. Chị Thảo yêu cầu Đại đeo khẩu trang cho mình và vợ, xét nghiệm COVID-19, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Tuy nhiên, Đại không chấp hành, nói lớn tiếng với chị Thảo "không lo cấp cứu mà lo COVID". Chị Thảo mời Đại ra ngoài để thực hiện y lệnh cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy và tiêm thuốc bổ sung canxi. Đại vào phòng cấp cứu rút dây oxy, không cho tiêm thuốc, tiếp tục to tiếng xúc phạm chị Thảo.

Lúc này, Đỗ Xuân Cường (sinh năm 1976, là anh ruột của Đại) đứng gần đó lao vào đánh chị Thảo thì được anh Nguyễn Trung Phong (điều dưỡng Trung tâm Y tế) can ngăn, chị Thảo chạy trốn vào Phòng súc ruột của Trung tâm Y tế.

Đại và Cường đạp cửa phòng xông vào, Cường dùng tay, Đại cầm mũ bảo hiểm đánh chị Thảo. Sau đó, anh Phong, bảo vệ và các nhân viên y tế khác can ngăn đưa Cường và Đại ra ngoài. Cường bỏ trốn.

Hậu quả vụ việc trên làm chị Nguyễn Thị Thảo bị xây xước ở mặt và nhiều vết xây xước ở tay, chân; anh Nguyễn Trung Phong trong quá trình can ngăn bị rách da ở lòng bàn tay trái, bầm tím ở đùi.

Làm việc với Công an thị xã An Khê, Đại và Cường đã khai nhận hành vi vi phạm. Vụ việc đang được Công an thị xã An Khê tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...