A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu hủy hơn 10 ngàn đơn vị hàng hóa

Ngày 18/12/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính trong năm 2023 và năm 2024.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra thuốc lá điếu vi phạm để xử lý theo quy định. Ảnh: QLTT

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra thuốc lá điếu vi phạm để xử lý theo quy định. Ảnh: QLTT

Tổng số hàng hóa vi phạm trên 10 ngàn đơn vị, tổng giá trị hơn 843 triệu đồng, gồm các loại như: Quần áo, thuốc lá, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, phụ kiện điện thoại… Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Riêng thuốc lá, trong năm 2024, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 152 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 422 triệu đồng, buộc tiêu hủy 9.978 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoản 199 triệu đồng. Kết quả kiểm tra tăng 27 trường hợp và số tiền thu nộp ngân sách tăng hơn 10 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Số lượng hàng hóa được vận chuyển đến tiêu hủy tại Nhà máy xử lý rác thải, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và do Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Môi trường Tiến Phát chịu trách nhiệm.  

Hoạt động tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre, góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý; không chỉ ngăn chặn sự lưu thông của hàng giả, hàng kém chất lượng mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn; nhằm kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai các chương trình tuyên truyền, giáo dục người dân về cách nhận diện hàng thật, hàng giả, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng lậu.

Để xây dựng một thị trường trong sạch và lành mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức xã hội. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng hàng giả và hàng kém chất lượng trên thị trường.


Tác giả: PV. (t/h)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...