A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Bịt "lỗ hổng" bất cập

Luật Thuế Thu nhập cá nhân ở Việt Nam được áp dụng từ năm 2007, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Các quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện có nhiều bất cập.

Các quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện có nhiều bất cập

Chi phí sinh hoạt, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng trong khi mức đóng Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) duy trì nhiều năm qua khiến người dân rơi cảnh “còng lưng gánh thuế”.

Vật giá leo thang, thuế vẫn cao

Luật Thuế TNCN ở Việt Nam được áp dụng từ năm 2007, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Từ đó tới nay, Việt Nam áp dụng biểu thuế suất 7 bậc từ 5% đến 35% cho người làm công ăn lương.

Sau một số lần điều chỉnh, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế áp dụng hiện nay là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với biểu thuế này, các cá nhân có thu nhập cao đã phải đóng thuế ở mức thuế suất cao nhất là 35%.

Từ đầu năm 2023, Bộ Tư pháp đã thông tin, qua kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy, Luật Thuế TNCN có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh.

Đặc biệt từ 1/7/2023, lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng cao thì thuế thu nhập cá nhân càng bộc lộ nhiều bất cập…

Mặt khác, ngưỡng phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng cho mọi cá nhân sống ở những vùng miền khác nhau nên gây ra cảm giác “bị thiệt” cho người lao động sống ở khu vực đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Sau khi trừ thuế, trừ đi các chi phí sinh hoạt tối thiểu, số tiền còn lại của người lao động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ít hơn nhiều so với người lao động có cùng mức thu nhập nhưng sống ở nông thôn, miền núi hoặc các đô thị khác có chi phí sinh hoạt rẻ hơn.

Chị Hồ Mai Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, cuộc sống ở thành phố lớn có chi phí quá cao, trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện là 4,4 triệu đồng/người là không sát với thực tế cuộc sống.

Đồng lương đã không đủ trang trải, lại phải dành một khoản để nộp thuế khiến cuộc sống càng chật vật hơn. Vì vậy, người lao động đành phải hạn chế chi tiêu để đảm bảo duy trì sinh hoạt tối thiểu.

Đồng quan điểm, Anh Nghiêm Đức Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian trước đây, anh đã từng chi tiêu thoải mái với mức lương trưởng phòng IT với gần 25 triệu đồng/tháng. Song, mức thu nhập đó đến thời điểm hiện tại đã không còn dễ dàng với cuộc sống.

“2 năm trước đi chợ chỉ khoảng 300.000 đồng là nấu được 2 bữa cơm cho gia đình, nhưng nay tiền chợ phải gấp đôi. Trong bối cảnh vật giá leo thang, mà mức lương không tăng, thì cực chẳng đã phải thắt lưng, buộc bụng cắt giảm chi tiêu. Điều đáng nói là, dù thu nhập chỉ đủ chi tiêu mức tối thiểu mà tôi vẫn phải “gánh” thêm khoản thuế thu nhập cá nhân theo luật vốn đã lạc hậu so với mặt bằng giá”, anh Quân chia sẻ.

Sớm sửa luật để phù hợp thực tiễn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc sửa Luật Thuế TNCN là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới năm 2025 mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026) như dự kiến hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng là để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá thành hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhưng thay đổi, sửa đổi những bất cập, lạc hậu của Luật Thuế TNCN cũng có tác dụng không kém khi người dân có cơ hội được giữ lại thêm một phần “túi tiền” của mình để ứng phó với lạm phát và các biến động khác của đời sống.

“Mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Sau khi có mức sống đủ cơm no, áo ấm, người dân có thêm nhu cầu du lịch, vui chơi. Trẻ em ngoài học trường công lập, còn phải chi thêm tiền học thêm, học môn năng khiếu. Mức chi tiêu mỗi năm thay đổi nhưng cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát gây ra nhiều bất cập, khiến người dân than phiền”, vị chuyên gia đánh giá.

Luật sư Nguyễn Sương, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định, khi lạm phát tăng 20% mới sửa đổi không phù hợp.

Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3 - 4 mức lương. Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo. Các giải trình tăng lương cơ sở có thể làm căn cứ để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.

“Tăng lương nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người dân chịu áp lực. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa”, luật sư Nguyễn Sương đánh giá.

Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, để sửa đổi bất cập của mức giảm trừ gia cảnh, ngưỡng thu nhập chịu thuế, trước hết, cơ quan chức năng phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Sau khi sửa đổi Luật Thuế TNCN rồi mới có thể sửa đổi về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá, quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý.

“Luật Thuế TNCN cần điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó. Đồng thời, cơ quan chức năng xem xét việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo chi phí thực tế của người nộp thuế”, ông Được kiến nghị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...