Sơ khảo Hội thi "Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ nhất
Ngày 13/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức chấm thi vòng sơ khảo Hội thi "Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023. 28 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã gửi clip dự thi với nội dung và hình thức phong phú, sáng tạo.
Hội thi nhằm thực hiện Kế hoạch số 14/KH-SVH&TT ngày 9/1/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; Kế hoạch số 267/KH-BCĐ ngày 7/4/2023 của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố.
Thành phần BGK vòng sơ khảo Hội thi "Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 |
Theo đó, đối tượng dự thi là cán bộ theo dõi công tác quản lý di tích, lễ hội tại các quận, huyện, thị xã; Xã, phường, thị trấn; Đại diện Ban quản lý di tích, tiểu ban quản lý di tích tại các di tích - danh thắng trên địa bàn thành phố... với tinh thần nghiêm túc, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Hình thức thi bao gồm: Xây dựng video clip giới thiệu tổng quan về di sản văn hóa, di tích và lễ hội của địa phương; Phần thi chào hỏi; Phần thi kiến thức; Phần thi thuyết trình. Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trước, trong và sau thời gian diễn ra hội thi.
BGK theo dõi clip dự thi từ các đơn vị |
Hội thi được tổ chức với mục đích: Nâng cao vị trí, vai trò của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý về di tích, lễ hội; Củng cố kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Hoạt động cũng tạo cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại địa phương.
Hội thi nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, quán triệt sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, tổ chức đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể... đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở.
Nội dung hội thi tập trung vào tìm hiểu kiến thức liên quan đến quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, thành phố về việc quản lý và tổ chức lễ hội, tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, kỹ năng trong triển khai tổ chức và thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Thực hiện quy ước hương ước, quy tắc ứng xử…
Các kỹ năng ứng xử, xử lý các tình huống trong việc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương; Khả năng tuyên truyền, giới thiệu về di tích, lễ hội đặc sắc của địa phương cũng là những yếu tố được nhấn mạnh tại hội thi.
Ban giám khảo vòng sơ khảo gồm các đồng chí: Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); TS Nguyễn Thị Dơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long; Nguyễn Doãn Văn - Trưởng Ban Quản lý Di tích danh thắng; Phạm Bảo Khánh - Phó Trưởng Ban Tôn giáo thành phố; Lý Thị Thúy Hạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố.
BGK đã làm việc công tâm, thảo luận, trao đổi nghiêm túc để chọn ra 10 đơn vị sẽ tham gia vòng thi chung khảo dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Đại diện BGK, TS Nguyễn Thị Dơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long đánh giá: "Công tác quản lý lễ hội trong tất cả di tích của Hà Nội là vấn đề quan trọng, được cộng đồng quan tâm. Hội thi "Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đáp ứng được tiêu chí để các quận huyện căn cứ vào đó điều chỉnh lại tất cả công tác tổ chức trong lễ hội của đơn vị.
Qua cuộc thi này, các đơn vị đã đưa lên được những nét đặc trưng về văn hóa nhất là phần di sản phi vật thể trong từng địa phương.
Nội dung của các clip có chất lượng tốt tuy nhiên có những đơn vị tính sáng tạo còn hơi ít. Cũng có thể do thời gian hoặc kinh phí hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của cán bộ quản lý văn hóa lễ hội trong từng vùng.
Nếu nhận thức rõ được về quản lý lễ hội trong các di tích lịch sử của từng quận huyện sẽ giúp cho quản lý văn hóa của chúng ta kể cả về di tích lẫn lễ hội sẽ đáp ứng được tất cả những tiêu chí để cộng đồng có ý thức hơn về việc giáo dục, phát huy giá trị của di tích".