Quốc hội khóa XV thông qua loạt quyết sách trọng đại: Sắp xếp bộ máy, rút ngắn nhiệm kỳ, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế
Ngày 3/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 227/2025/QH15, tổng kết toàn diện Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết ghi nhận hàng loạt quyết sách có ý nghĩa lịch sử, tạo đột phá về thể chế, tổ chức bộ máy, hoàn thiện chính quyền địa phương hai cấp và chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo.
Theo Nghị quyết, Quốc hội đã thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và tái cấu trúc không gian phát triển đất nước. Đồng thời, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025.
Toàn cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: TTXVN
Việc sắp xếp này tác động trực tiếp đến toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là 696 đơn vị hành chính cấp huyện và nhiều đơn vị cấp xã, cấp tỉnh sẽ kết thúc hoạt động từ ngày 1/7/2025. Quyết định đã nhận được sự đồng thuận cao từ cử tri, đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan và chính quyền các cấp khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu lực và hiệu quả của mô hình chính quyền mới; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời với các đối tượng chịu tác động trong quá trình sắp xếp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 34 luật, 34 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện khẩn trương, đồng bộ các luật, nghị quyết đã được thông qua, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh, thống nhất và hiệu quả.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết mới, kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong văn bản pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật và coi thể chế là lợi thế cạnh tranh của quốc gia.
Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên là hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, với trọng tâm triển khai hiệu quả 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Căn cứ thực tiễn và yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, Quốc hội đã xem xét và quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026. Đồng thời, Quốc hội quyết định tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031 vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026 và thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia để triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách năm 2024, tạo đà thuận lợi cho năm 2025.
Trong thời gian tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với các nền tảng dữ liệu khác trong năm 2025; thúc đẩy chuyển đổi số, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa kênh phân phối; triển khai thực chất Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng gây lãng phí, hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số và xanh. Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường tài chính – bảo hiểm, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, và sơ kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn 2026–2030.