Quảng Nam: Nhiều chính sách vượt trội trong hỗ trợ, bố trí tái định cư
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách vượt trội trong bố trí tái định cư về số lô, diện tích giao đất cũng như hỗ trợ 100% giá trị chênh lệch khi bố trí đất tái định cư.
Tranh chấp về đất đai đang là vấn đề nóng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam (Ảnh: V.Q) |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có kết luận liên quan đến tình hình triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh.
Bố trí tối đa 5 lô TĐC với diện tích tối đa theo khu vực
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, qua quá trình soạn thảo, ban hành các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn tại Quyết định 42 năm 2021 thì so với các địa phương có điều kiện tương đồng như Thừa Thiên - Huế, Bình Định và Thanh Hóa thì cơ bản chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn Quảng Nam đã và đang có nhiều ưu điểm, chính sách vượt trội hơn.
Cụ thể, ngoài việc bồi thường bằng tiền thì Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ bằng 3 đến 4,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại.
Trong khi đó, các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên - Huế chỉ quy định mức hỗ trợ từ 1,5 đến 3 lần. Riêng hỗ trợ khi thu hồi đất lúa ở Thừa Thiên - Huế là 5 lần.
Như vậy, chính sách hỗ trợ này so với quy định tại Quyết định 43 năm 2014 của UBND tỉnh đã có sự thay đổi, qua đó góp phần hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất có điều kiện chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống khi Nhà nước thu hồi đất.
Người dân Quảng Nam được cấp tối đa 5 lô TĐC khi bị Nhà nước thu hồi đất ở (Ảnh: V.Q) |
Về chính sách TĐC, nhìn chung các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên - Huế đều áp dụng chính sách bố trí TĐC theo nguyên tắc diện tích giao đất ở TĐC không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi; Việc bố trí số lô TĐC căn cứ vào diện tích bị thu hồi để xác định. Ví dụ, tỉnh Bình Định và Thừa Thiên - Huế bố trí không quá 3 lô TĐC.
Riêng tỉnh Quảng Nam bố trí tối đa 5 lô với diện tích tối đa theo từng khu vực. Tỉnh cũng hỗ trợ 100% khoản tiền chênh lệch giữa giá đất ở TĐC với giá đất ở bị thu hồi.
Như vậy, hiện nay tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách vượt trội hơn trong chính sách bố trí TĐC về số lô, diện tích giao đất TĐC, cũng như hỗ trợ 100% giá trị chênh lệch khi bố trí đất TĐC.
Một số bất cập phát sinh đang tiếp tục chỉnh sửa
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, so với Quyết định 43 trước đây chính sách TĐC hiện đã có sự thu hẹp về đối tượng được hưởng. Trước đây, việc bố trí TĐC theo nhân khẩu, hộ khẩu, cứ có nhân khẩu phát sinh là bố trí TĐC mà không xem xét đất ở bị thu hồi, nên dẫn đến sự bất bình đẳng giữa hộ bị thu hồi đất ở lớn nhưng ít nhân khẩu, hộ khẩu thì bố trí 1-2 lô, trong khi đó có hộ chỉ thu hồi 80-100 m2 đất ở nhưng do nhân khẩu nhiều nên bố trí từ 3-4 lô TĐC, dẫn đến việc tiềm ẩn nguy cơ chạy hộ khẩu để hưởng lô TĐC.
Ngoài ra, tại Quyết định 42 đã loại bỏ việc bố trí 1 lô TĐC khi thu hồi đất vườn ao lớn hơn 2 lần hạn mức đất ở là thực hiện theo đúng nguyên tắc tại Điều 74 (thu hồi loại đất gì thì giao lại đất có cùng mục đích sử dụng). Hơn nữa, về vấn đề này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã có kiến nghị yêu cầu dừng thực hiện chính sách này.
Một số dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn bị thu hồi khiến người dân phấn khởi vì còn đất để canh tác (Ảnh: V.Q) |
Về chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất vườn ao, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ bằng 50% giá đất ở theo bảng giá đất. Như vậy, chính sách hỗ trợ đất vườn ao của tỉnh Quảng Nam là cao hơn so với các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên - Huế. Nếu so với chính sách bồi thường tại Quyết định 43 trước đây thì thấp hơn. Tuy nhiên, việc bồi thường theo Quyết định 43 là không đúng quy định và Bộ Tư pháp đã kiểm tra, yêu cầu thu hồi.
Mức hỗ trợ theo Quyết định 42 là phù hợp và cao hơn so với trường hợp người dân đang sử dụng đất vườn ao khi chuyển mục đích sử dụng đất (phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất, đối với các trường hợp vượt hạn mức phải nộp theo hệ số K= 1,2 lần).
Cũng theo ông Tân, hiện nay một số bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 42, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp thu chỉnh sửa. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị các Bí thư Huyện, Thị, Thành ủy và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP tập trung quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tích cực phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB.
Cùng với đó, UBND cấp xã tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân trong vùng dự án hiểu rõ và có sự đồng thuận cao trong việc chấp hành các quy định hiện hành về chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất.
Đối với các vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, các địa phương góp ý, tổng hợp, đề xuất gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42. Những nội dung kiến nghị vượt quy định pháp luật đất đai hiện hành, thì các địa phương có ý kiến đóng góp bằng văn bản vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.