Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Tài chính quản lý chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao
Để triển khai nhiệm vụ trên, các đơn vị tập trung kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN theo dự toán, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước, các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình có tính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng... Cải thiện vai trò dẫn dắt, vốn mồi của nguồn lực NSNN; thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Có cơ chế thúc đẩy đầu tư, liên kết vùng, thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư xã hội.
Cùng với đó, tập trung phân bổ chi tiết, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn vốn sang năm sau. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, trong đó có vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; không bố trí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các chính sách chưa ban hành; cắt giảm các khoản chi chưa thực su cần thiết, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát... Từ ngày 01/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Các đơn vị huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia đảm bảo sẵn sàng thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia triển khai kế hoạch được giao theo đúng quy định.
Đặc biệt, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, bố trí nguồn vốn đúng tính chất; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng tài sản, NSNN, chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng NSNN.