A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều cá nhân trong vụ cựu Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh “thoát” trách nhiệm hình sự

Trong vụ vi phạm đấu thầu tại Bắc Ninh, ngoài việc truy tố 13 bị can về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao còn kiến nghị nhiều vấn đề, nội dung liên quan…

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện kế hoạch đấu thấu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 6 dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các bị can thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá đã đưa hối lộ, vi phạm các quy định về đấu thầu. Các bị can thuộc cơ quan quản lý Nhà nước nhận hối lộ để cho nhóm Công ty AIC của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Công ty Sông Hồng trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 48,6 tỷ đồng.

Ngoài hành vi của các bị can, một số cá nhân ở các cơ quan, đơn vị khác cũng có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, do chưa đến mức hoặc không cần thiết phải xử lý hình sự nên cơ quan tố tụng đã đề nghị, kiến nghị xử lý về Đảng hoặc hành chính.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Công ty AIC.

Theo đó, tại UBND tỉnh Bắc Ninh, cáo trạng xác định, ông Nguyễn Lương Thành (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đã ký quyết định phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án, trong đó có 6 bệnh viện tuyến huyện. Nhưng không có căn cứ chứng minh việc can thiệp, tác động các cấp Trung ương để xin phân vốn bổ sung cho các dự án; không thực hiện theo sự chỉ đạo. Do đó, cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý về Đảng và hành chính đối với vị này.

Liên quan đến trách nhiệm của Ban QLDA Công trình xây dựng Y tế tỉnh (chủ đầu tư), 5 thành viên khác của Tổ chuyên gia tư vấn xét thầu có nhiệm vụ đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, không có hành vi thông đồng với nhà thầu, không có yếu tố vụ lợi nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, song cần đề nghị xử lý về Đảng và hành chính.

Cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh.

Tương tự, đối với các cá nhân liên quan thuộc Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Bắc Ninh, cơ quan chức năng nhận định, mỗi cá nhân ở các vị trí, vai trò khác nhau không có hành vi thông đồng, không có vụ lợi nên chưa đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự. Vì vậy cần kiến nghị xử lý về Đảng và hành chính.

Bà Nguyễn Thị Tích được bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) nhờ đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Mopha, là người thực hiện theo chỉ đạo của Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn (Phó tổng giám đốc AIC). Bà Tích đã ký hồ sơ dự thầu của Công ty Mopha tham gia làm “Quân xanh” cho 2 gói thầu tại bệnh viện huyện Thuận Thành, Gia Bình và trúng thầu hộ Công ty AIC tại gói thầu bệnh viện huyện Lương Tài, trị giá 30 tỷ đồng.

Hành vi của bà Tích đồng phạm với Nhàn và Sơn. Tuy nhiên, thực tế bà Tích không tham gia điều hành hoạt động của doanh nghiệp, chỉ ký các thủ tục để hợp thức làm “Quân xanh” cho Công ty AIC, không được hưởng lợi. Bản thân bà Tích đã bị xử lý trong các vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh nên không cần thiết xử lý hình sự ở vụ án này.

Các cá nhân khác thuộc Công ty AIC là nhân viên làm thuê, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, không trao đổi, thỏa thuận với Chủ đầu tư, không hưởng lợi; thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với CQĐT làm rõ bản chất vụ án. Căn cứ Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP việc CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp.

Về các cá nhân thuộc nhóm Công ty Công ty Sông Hồng gồm: Lã Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Quốc gia; Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng; Nguyễn Hồng Phượng - Giám đốc Công ty Intop; Trần Thị Hoàng Ninh - Giám đốc Công ty Bông Sen Vàng, cơ quan tố tụng nhận định, đây là những người thân quen và nhân viên cấp dưới, được Lã Tuấn Hưng (Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng) nhờ đứng tên làm giám đốc, ký hồ sơ thầu và thực hiện công việc theo chỉ đạo của Hưng. Nhưng người này không thông đồng, không được hưởng lợi nên cần phân hoá, không xử lý hình sự là phù hợp.

Một số bị can liên quan trong vụ cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh.

Đối với các cá nhân khác, đại diện các công ty tham gia dự thầu có quan hệ quen biết với Lã Tuấn Hưng, tham gia mua và nộp hồ sơ dự thầu, không biết việc thỏa thuận, thông đồng nên CQĐT phân hoá, không xem xét trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Một số cá nhân ở nhóm công ty tư vấn thẩm định giá, là cấp dưới của bị can Đặng Xuân Minh (Giám đốc Công ty Thẩm định giá) thực hiện theo chỉ đạo của Minh, làm công ăn lương, giữ vai trò thứ yếu nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả thực hành công tố, kiểm sát về việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhận thấy trong các nguyên nhân điều kiện phạm tội của các bị can có nguyên nhân xuất phát từ các vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính, các Sở ban ngành và UBND tỉnh Bắc Ninh.

Để hạn chế việc thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước và hạn chế sai phạm các tổ chức, cá nhân có liên quan, Viện KSDN Tối cao cho biết sẽ ban hành kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành chính và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của một số cá nhân và tổ chức liên quan.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết