A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo lắng cháy nổ, sinh viên thuê trọ bất an

Đa số các sinh viên thuê trọ ở Hà Nội đều có chung nỗi lo sợ bởi nhà thuê không gian chật hẹp, chỉ có một lối thoát nạn, nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả rất khó lường...

Bất an với chính nơi mình đang ở

Sau vụ cháy chung cư mini tang thương ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều sinh viên sống trong các chung cư mini cho biết họ đang cảm thấy rất lo lắng và bất an với chính nơi mình đang ở.

“Không gian ở chật hẹp, chỉ có một lối thoát nạn, nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả rất khó lường”, bạn Hoàng Vũ Khánh Linh (người thuê nhà tại quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Theo Khánh Linh, những người thuê nhà thường cố gắng tìm một nơi ở gần nơi làm việc, học tập nên đa số tập trung ở các quận nội thành của Hà Nội. Tuy nhiên, càng đông thì càng xảy ra những bất cập, trong đó công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy là rất khó.

"Các nhà trọ cao tầng hay chung cư mini ở dưới tầng trệt hầu như để chật kín xe máy, không còn lối đi. Nếu xảy ra cháy thì chắc chắn lửa sẽ lan rất nhanh", Khánh Linh chia sẻ thêm.

Lo lắng cháy nổ, sinh viên thuê trọ bất an

Nhà để xe chung cư mini chật hẹp, vượt quá số lượng xe

Bạn Dương Anh Thư (20 tuổi, đang thuê nhà tại quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Công tác phòng cháy chữa cháy tại nơi tôi thuê rất lỏng lẻo, tòa nhà cũng có để bình chữa cháy nhưng chủ nhà chưa bao giờ hướng dẫn cách sử dụng. Chủ nhà cũng không phổ biến kiến thức về phòng chống cháy nổ cho cư dân trong tòa nhà”.

Khi được hỏi về kiến thức phòng cháy chữa cháy, Anh Thư cho biết bản thân vẫn rất “mơ hồ”, qua sự việc tang thương cháy chung cư mini ở Thanh Xuân thì mới cảm thấy lo sợ và tìm đọc cách thoát nạn khi xảy ra cháy.

"Chủ nhà thì ngay từ khi tôi chuyển đến đã không hề sát sao vấn đề phòng cháy chữa cháy. Họ chỉ quan tâm tới việc hàng tháng tôi có đóng đủ tiền phòng hay không mà thôi”, Anh Thư cho hay.

Cùng quan đểm bất an với Anh Thư, bạn Nguyễn Khánh Linh (21 tuổi, sống ở quận Nam Từ Liêm) tâm sự: “Tôi thuê trọ ở một căn chung cư mini ở sâu trong ngõ, đường đi vào rất chật hẹp. Công tác phòng cháy chữa cháy rất hời hợt”.

Nỗi “lo” cháy nổ của những sinh viên thuê trọ

Tầng 1 của căn chung cư mini tại Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội

“Căn chung cư mini này có 6 tầng. Tôi sống ở tầng 6 nhưng thực chất phòng ở được dựng lên từ tum của căn nhà. Chủ nhà không đề cập đến bất kì vấn đề nào liên quan đến việc phòng cháy, chữa cháy cũng như phổ biến cho cư dân về các kĩ năng thoát nạn hiệu quả.

Mãi tới khi vụ cháy chung cư mini Khương Hạ xảy ra, chủ nhà mới phát động phòng cháy, chữa cháy. Tất cả cũng chỉ nằm vỏn vẹn ở tin nhắn nhóm cư dân. Theo dõi vụ hỏa hoạn vừa qua, tôi rất lo sợ và bất an với chính nơi mình đang thuê trọ", Linh chia sẻ thêm.

Mỗi người cần tự trang bị kiến thức phòng chống cháy nổ

Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ cũng là bài học sâu sắc để người dân cẩn thận và chú ý hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các tân sinh viên đang tìm thuê nhà trọ.

Trước tâm lý lo lắng của người dân, nỗi lo sợ cháy nổ của sinh viên, thời gian qua, một số đơn vị chính quyền, công an đã tổ chức các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy để trang bị thêm kiến thức phòng chống cháy nổ cho người dân.

Nỗi lo cháy nổ của những sinh viên thuê trọ

Người dân cần được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn

Tối 14/9, Công an phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) đã tổ chức buổi diễn tập hoạt động chữa cháy và cứu nạn, an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư số 14, tổ dân phố số 15.

Đại diện Công an phường Phương Liệt nhấn mạnh, mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy nổ, hỏa hoạn, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Trần Thị Huệ (45 tuổi, sống ở phường Phương Liệt) cho biết, chị cảm thấy an tâm phần nào qua buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy do các cán bộ chiến sĩ công an hướng dẫn.

“Đây là buổi diễn tập mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Qua hoạt động này, tôi cơ bản nắm bắt được các kỹ năng cần thiết trong phòng cháy, chữa cháy. Bản thân cũng cần biết phải làm gì khi có hỏa hoạn”, chị Huệ chia sẻ.

Chị Huệ cũng cho biết thêm, bình thường nghĩ đến cháy là tâm lý hoảng loạn. Qua buổi diễn tập, được lực lượng công an hướng dẫn, chị ý thức rõ khi vào tình huống đó điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. Tiếp đó, khi đám cháy xảy ra, phải phối hợp cùng với mọi người, phân ra mỗi người một việc, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhau để giảm thiểu tối đa số lượng người bị thương vong.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết