Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành.
Theo phương án của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, về tên gọi, giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Giữ nguyên tên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Các bộ, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như đề xuất tại Báo cáo số 3792-BC/BCSĐCP ngày 31-12-2024 của Ban cán sự đảng Chính phủ. Cụ thể gồm: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy như sau: Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chuyển nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế (chức năng chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương theo quyết định của Bộ Chính trị; nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển về Bộ Công an).
Đồng thời, điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển Viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).
Hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban này quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của Tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương). Trước mắt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng phương án tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý 18 tập đoàn, tổng công ty này.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia
Về điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Công an. Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp sang Bộ Công an.
Chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Công an.
Về nhiệm vụ quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng, thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Về nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không, Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì bảo đảm an ninh hàng không tại sân bay và trong máy bay.
Về nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia tại khu vực biên giới, cửa khẩu, Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao 2 Bộ Công an và Quốc phòng thống nhất nhiệm vụ chủ trì, nhiệm vụ phối hợp, bổ sung vào Nghị định số 03/20219/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Tinh gọn tổ chức bên trong
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng, Bộ Tài chính tổ chức lại Tổng cục Thuế thành Cục Thuế (có 12 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại Cục Thuế của 63 tỉnh, thành phố thành 20 Chi cục Thuế khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 420 Chi cục Thuế cấp huyện và khu vực liên huyện thành 350 Đội thuế khu vực liên huyện. Sau sắp xếp dự kiến giảm 1.005/4.141 đầu mối (24,27%).
Tổ chức lại Tổng cục Hải quan thành Cục Hải quan (có 12 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại 35 Cục Hải quan khu vực thành 20 Chi cục Hải quan khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 181 Chi cục Hải quan thành 165 Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu, là tổ chức cấp đội. Sau sắp xếp dự kiến giảm 485/902 đầu mối (53,77%).
Tổ chức lại Kho bạc Nhà nước (cấp tổng cục) thành Kho bạc Nhà nước, là tổ chức tương đương cấp cục (10 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại 63 Kho bạc nhà nước cấp tỉnh thành 20 Kho bạc Nhà nước khu vực, là tổ chức cấp chi cục. Sau sắp xếp dự kiến giảm 431/1.049 đầu mối (41,09%).
Tổ chức lại Tổng cục Dự trữ Nhà nước thành Cục Dự trữ nhà nước (có 7 ban); sắp xếp, cơ cấu lại 22 Dự trữ nhà nước khu vực thành 15 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Tổ chức lại Tổng cục Thống kê thành Cục Thống kê (có 14 đơn vị) và sắp xếp, cơ cấu lại 63 Cục Thống kê cấp tỉnh thành 63 Chi cục Thống kê cấp tỉnh; sắp xếp, cơ cấu lại 565 Chi cục Thống kê cấp huyện thành 480 Đội hoạt động theo mô hình liên huyện (giảm 15% đầu mối).
Tổ chức lại Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành đơn vị sự nghiệp công lập, có 14 ban (giảm 7 đơn vị); sắp xếp, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thành 35 Bảo hiểm xã hội khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 640 Bảo hiểm xã hội cấp huyện xuống còn 350 Bảo hiểm xã hội liên huyện, bỏ 147 Tổ nghiệp vụ (giảm 651/1.465 đầu mối, tương đương với 44,4%).
Bộ Xây dựng hợp nhất Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng và Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải thành Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáp nhập Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường vào Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp nhất Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học thành Vụ Giáo dục phổ thông; đồng thời tiếp nhận thêm một số nhiệm vụ của Vụ Giáo dục dân tộc.
Bộ Y tế kết thúc hoạt động của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và chuyển chức năng, nhiệm vụ về các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ Y tế. Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị Bộ Y tế rà soát để sắp xếp thu gọn thêm đầu mối, bảo đảm giảm tối thiểu từ 15-20% đầu mối.
Bộ Ngoại giao hợp nhất Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Vụ Đối ngoại nhân dân (Ban Đối ngoại Trung ương) và Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) thành Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo, giữ nguyên tên Ban Tôn giáo Chính phủ để tránh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.
Bộ Công Thương hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thành Vụ Thị trường nước ngoài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi tên Trung tâm Công nghệ thông tin thành Trung tâm Chuyển đổi số Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Văn phòng Chính phủ hợp nhất Vụ Tổng hợp và Vụ Thư ký - Biên tập thành Vụ Tổng hợp - Thư ký. Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ rà soát để sắp xếp thu gọn thêm đầu mối, bảo đảm giảm tối thiểu từ 15-20% đầu mối.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị ngày 17-1-2025.
Hoàn thiện ngay Đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn
Căn cứ yêu cầu cuộc họp Bộ Chính trị ngày 10-1-2025, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào ngày 23-24/1/2025, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ ngày 12-17/2/2025. Theo đó, trên cơ sở phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện Đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong (kèm theo dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành mình), gửi Bộ Nội vụ trước 11 giờ ngày 13-1-2025.
Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan cần chú ý làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, bảo đảm duy trì và thực hiện tốt công việc thường xuyên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Đối với 6 Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị chủ động trình Chính phủ (hoặc trình Bộ quản lý ngành để trình Chính phủ đối với cơ quan thuộc Chính phủ: Bộ Khoa học và Công nghệ trình nghị định của 2 Viện Hàn lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông trình nghị định của 2 đài và Thông tấn xã Việt Nam) để ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cơ quan mình, kịp thời công bố trước ngày 20/1/2025.
Đối với 14 bộ, ngành còn lại, gồm: Bộ Tài chính (sau hợp nhất); Bộ Xây dựng (sau hợp nhất); Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ (sau hợp nhất); Bộ Nội vụ (sau hợp nhất); Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ, chủ động hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có kết luận để kịp thời sau kỳ họp bất thường Quốc hội, Chính phủ sẽ công bố nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp giữa tháng 2-2025. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 17-1-2025.