Hà Nội chuẩn bị thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm: Đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp, Hà Nội đang xúc tiến thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm với vốn đầu tư ban đầu từ ngân sách thành phố.
Không đặt mục tiêu sinh lời, quỹ được kỳ vọng sẽ là “vốn mồi” khơi thông dòng vốn xã hội, thu hút đầu tư tư nhân, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế tri thức của Thủ đô
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast. Ảnh: Vingroup
Lấp khoảng trống đầu tư
Dù được xem là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm, cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao, còn thiếu hụt nghiêm trọng. Các quỹ đầu tư tư nhân thường e ngại rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, quy mô thị trường nhỏ, trong khi khởi nghiệp công nghệ cần một lộ trình dài hạn và đầu tư bài bản.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta đang thiếu công cụ để lấp đầy khoảng trống đầu tư cho các lĩnh vực rủi ro cao, nơi mà các quỹ tư nhân chưa sẵn sàng tham gia. Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố là bước đi cần thiết, nhằm dẫn dắt, kích hoạt dòng vốn xã hội và khơi thông các nguồn lực đổi mới sáng tạo”.
Hiện nay, một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như: IDG Ventures Vietnam, ThinkZone hay VinVentures (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã góp phần hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam; tuy nhiên, đây phần lớn đều là quỹ tư nhân, với mục tiêu lợi nhuận là chính. Mô hình này khó có thể bao phủ những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố muốn ưu tiên như: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ y sinh, giao thông thông minh, môi trường, giáo dục hay đô thị thông minh.
Theo dự thảo Đề án thành lập, Quỹ Đầu tư mạo hiểm của Hà Nội sẽ được hình thành với vốn điều lệ ban đầu (dự kiến 2.000 - 2.500 tỷ đồng) từ ngân sách thành phố (chiếm không quá 49%), hoạt động theo mô hình “vốn mồi” để thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Khác với các quỹ tư nhân hoạt động vì lợi nhuận, mục tiêu cốt lõi của quỹ này là tạo ra các tác động xã hội tích cực: Cung cấp nguồn vốn chiến lược và hỗ trợ phi tài chính (đào tạo, cố vấn, kết nối quốc tế) giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn khẳng định: “Lợi nhuận Nhà nước không thu về, mà được dùng để tiếp tục đầu tư hoặc thành lập các quỹ mới theo từng lĩnh vực ưu tiên. Nhà nước không trực tiếp quản lý quỹ mà sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp có năng lực điều hành. Các quyết định đầu tư do các nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, quyết định, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả”.
Mô hình linh hoạt
Theo dự thảo Đề án, mô hình quỹ được xây dựng theo hướng “fund of funds”, tức là quỹ của thành phố sẽ đầu tư vào các quỹ chuyên ngành khác nhau (ví dụ quỹ công nghệ, quỹ y tế, quỹ giáo dục…) thay vì đầu tư trực tiếp vào từng doanh nghiệp. Điều này giúp giảm rủi ro, tăng tính chuyên môn hóa và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.
Điểm khác biệt đáng chú ý của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hà Nội so với các quỹ hiện hành chính là vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong khâu định hướng chiến lược, chứ không can thiệp vào hoạt động đầu tư cụ thể. Thành phố sẽ xác định các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp, bảo đảm minh bạch, công khai và linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Nhiều chuyên gia đầu ngành khuyến nghị cần có các chính sách ưu đãi kèm theo như miễn thuế chuyển nhượng vốn, miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tái đầu tư, hỗ trợ cơ chế tái cấp vốn, thanh khoản thứ cấp… Đây là những vấn đề từng được áp dụng thành công ở nhiều nước như Israel, Singapore hay Hàn Quốc và đang được nghiên cứu lồng ghép vào quy định cơ chế hoạt động của quỹ.
Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain Trần Việt Đức - một trong những nhà sáng lập của IDG Ventures Vietnam, cho rằng: “Đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro rất cao, có thể mất đến 60% vốn, nên cần thiết kế cơ chế vốn mồi của Nhà nước sao cho hợp lý. Thay vì rải vốn dàn trải, nên đầu tư có trọng điểm vào các quỹ chuyên ngành để tăng hệ số hiệu quả đầu tư, qua đó hút được các nhà đầu tư tư nhân cùng vào cuộc”.
Giám đốc điều hành Quỹ ThinkZone Ventures Bùi Thành Đô cũng khẳng định: “Chúng tôi mong Hà Nội có cơ chế khuyến khích tái đầu tư và ưu đãi thuế. Với quy mô quỹ của thành phố, hoàn toàn có thể tạo sức bật cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia cùng, nhất là trong bối cảnh nhiều quỹ đang cân nhắc chuyển vốn sang địa phương có chính sách hấp dẫn hơn”.
Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ, đại diện Viettel, FPT Software hay Google Việt Nam đều đánh giá cao sáng kiến của Hà Nội, đồng thời đề xuất thành phố cần thu hẹp lĩnh vực đầu tư, tập trung vào những vấn đề thách thức của đô thị như hạ tầng số, đô thị xanh, giao thông thông minh… qua đó giúp các start-up giải bài toán thực tiễn và có cơ hội tiếp cận thị trường lớn ngay tại chỗ.
Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tài chính, mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong điều hành chính sách, chuyển từ “cho - cấp” sang “dẫn dắt - hợp tác công tư”. Đây sẽ là công cụ chính sách quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà Hà Nội đang theo đuổi. Nếu được vận hành hiệu quả, quỹ sẽ là mô hình mẫu, góp phần khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn lực tài chính xã hội vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế tri thức và thành phố thông minh trong tương lai gần.