A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung sức ngăn chặn “quái xế”

Hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập phóng xe với tốc độ cao, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào đêm tối có dấu hiệu “nóng lên” trong thời gian gần đây. Đặc biệt, rạng sáng ngày 3-11, một cô gái trẻ trong lúc đang dừng chờ đèn đỏ đã bị “quái xế” đâm dẫn đến tử vong khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Trước tình hình đó, các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời ngăn chặn, xử lý các nhóm “quái xế”.

quai-xe.jpg

Công an thành phố Hà Nội tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời ngăn chặn, xử lý các nhóm “quái xế”.

Phát hiện, xử lý từ sớm

Với phương châm phát hiện từ sớm, xử lý từ xa, triệt để, không để hình thành các ổ nhóm gây rối trật tự công cộng, những ngày qua, các tổ công tác công khai và hóa trang đã huy động lực lượng, phương tiện, triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung vào công tác phòng ngừa, xử lý hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, “nẹt pô”... Từ 21h ngày thứ sáu của tuần đầu tiên tháng 11, các lực lượng đã bí mật tổ chức lực lượng trên các tuyến giao thông trọng điểm như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hàng Bài để nắm tình hình địa bàn... Ngay khi phát hiện tại các ngã tư Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo xuất hiện một số thanh niên tụ tập quanh quán hàng rong có biểu hiện hình thành các tốp đoàn gây mất an ninh trật tự, lực lượng làm nhiệm vụ đã thông báo để Công an quận Hoàn Kiếm cử lực lượng công an sở tại phối hợp giải tán các quán hàng vi phạm trật tự công cộng, đồng thời giải tán các tốp thanh niên đang tụ tập tại các khu vực trọng điểm...

Tại trụ sở Đội Cảnh sát giao thông số 1, các lực lượng phối hợp tham gia đã nhanh chóng triển khai phương án bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Chỉ vào tấm bản đồ quận Hoàn Kiếm, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 1 nhấn mạnh vào từng đường chỉ đỏ, những vạch cắt ngang để giao nhiệm vụ cho từng đơn vị công tác, lực lượng hóa trang và công khai giữ khoảng cách hợp lý để không bị lộ và kịp thời hỗ trợ khi bắt giữ đối tượng.

Từ 21h30 đến 5h hôm sau, đã có hơn 20 phương tiện và gần 30 nam nữ thanh niên vi phạm bị đưa về trụ sở cơ quan công an để phân loại xử lý. Đa số thanh niên đều rất trẻ (sinh năm 2008 - 2009), vi phạm các lỗi: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không gắn biển kiểm soát, vượt đèn đỏ... Điển hình như nữ sinh N.N.B.H (sinh năm 2009, ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng) đã tự ý lấy xe máy của mẹ qua đón bạn là B.P.V (sinh năm 2008, ở phố Đại La, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) để đi dạo phố và cổ vũ các đối tượng lạng lách, đánh võng.

Hay như M.Đ.K (sinh năm 2007, ở ngõ Lệnh Cư, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi chở theo bạn là T.Q.M (sinh năm 2006, ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa) khi thấy cảnh sát giao thông đã bỏ chạy với tốc độ cao... Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra chất kích thích, nồng độ cồn. Nhiều phụ huynh khi được mời ra tới cơ quan công an để làm việc đều bày tỏ sự cảm ơn lực lượng chức năng đã kịp thời vào cuộc, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng trong thời gian qua, công an các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa... đã chủ động xử lý hàng quán kinh doanh không đúng quy định vào ban đêm để hạn chế việc hình thành tụ điểm tập trung cho các đối tượng.

Hướng tới giải pháp lâu dài

Để đối phó với các nhóm “quái xế” giữ gìn bình yên trên những tuyến phố, nhiều chiến sĩ đã phải hy sinh hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ. “Nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, nhất là sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên phố Trần Hưng Đạo, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nói với bố mẹ, vợ con là đi trực thay vì đi chống đua xe trái phép” - Thượng úy Phạm Minh Đức, Đội Hình sự, Công an quận Hà Đông, chia sẻ. Nhiệm vụ của cảnh sát hình sự có sự khác biệt, ngoài việc bí mật tuần tra trên đường phố thì họ còn phải “vào vai” người tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để nắm bắt quy luật hoạt động, ngăn chặn các vụ việc từ sớm.

Được biết, mới đây, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông đã xét xử hàng chục thanh, thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng. Căn cứ kết quả điều tra, lời khai nhận thành khẩn của các bị cáo cùng quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 28 bị cáo, với mức án cao nhất 56 tháng tù giam (đối với trường hợp bị cộng gộp 2 bản án), thấp nhất là 16 tháng tù giam, có bị cáo được hưởng án treo... Tại phiên xét xử, ngoài thân nhân của 28 bị cáo còn có khá đông bạn bè, người quen. Tất cả đã một lần nữa được nghe, hình dung và nhận thức rõ hơn về hành vi nguy hiểm mà các bị cáo đã gây ra với cộng đồng; trách nhiệm của người lớn trong công tác quản lý, giáo dục con em mình. Ý thức và hành vi nguy hiểm ấy không hình thành trong một sớm một chiều.

Đó chưa phải phiên tòa lớn nhất với số bị cáo đông và đều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Sắp tới, Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh dự kiến đưa ra xét xử vụ gây rối trật tự công cộng với hơn 130 bị cáo. Các bị cáo là người địa phương, các địa bàn tỉnh bạn đều vi phạm lỗi chung là cầm hung khí dạo phố, lạng lách trên đường phố...

Về giải pháp lâu dài, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, cần có sự đối thoại giữa cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và chính các đối tượng vi phạm để các bạn thanh, thiếu niên tự cảm nhận được hành vi sai trái, tự sửa đổi. Riêng trong năm 2024, Công an quận Hà Đông đã nhiều lần tổ chức gặp mặt hàng nghìn thanh, thiếu niên có quá khứ “bất hảo” để lắng nghe, chia sẻ câu chuyện của họ nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Bà T.T.T.X (ở quận Hà Đông) là phụ huynh của một thanh niên đã gây ra tại nạn giao thông làm chết người khi chưa đủ tuổi được phép đi xe máy trên 50cc cho biết, với sự giúp đỡ, quan tâm của lực lượng công an, con bà đã vượt qua mặc cảm và thi đỗ đại học... Các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con em hơn nữa để ngăn chặn từ sớm những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cũng nhấn mạnh, giải pháp giáo dục luôn được coi là lâu dài, có ý nghĩa thiết thực. Chỉ trong năm 2024, đã có hàng nghìn cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được tổ chức tại các trường học trên địa bàn thành phố. Thông qua các buổi tuyên truyền, Công an thành phố Hà Nội gửi gắm lời đề nghị các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm tới con em, nắm bắt các biểu hiện bất thường, chia sẻ để lực lượng công an, chính quyền cơ sở quan tâm “nắn lại suy nghĩ, định lại con đường” đúng cho các cháu bởi chỉ một phút lơ là, thiếu quan tâm từ phía gia đình thì tương lai phía trước của các em rất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...