Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” tại Phnom Penh, Campuchia
Tham dự Hội nghị có: Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, Chủ tịch danh dự của Hội nghị toàn thể ICAPP 12 Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Chung Eui - yong; Chủ tịch Hội nghị toàn thể ICAPP 12, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Manet.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của ICAPP trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.
Cùng dự Hội nghị có đại diện của các đảng chính trị đến từ 39 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Chung Eui – yong trân trọng cảm ơn Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet vì vai trò lãnh đạo tuyệt vời và sự ủng hộ nhiệt tình cho những nỗ lực tổ chức Hội nghị lần này.
Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP cho rằng, thế giới đang chứng kiến nhiều áp lực và thách thức về địa chính trị, kinh tế và xã hội, sự xung đột giữa các quốc gia gây phương hại đến tốc độ phát triển kinh tế và môi trường hòa bình ổn định của thế giới. Tất cả những thách thức này đang cản trở chúng ta hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, thịnh vượng, làm ảnh hưởng những nền tảng căn bản của thế giới dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, làm chậm lại những tiến bộ đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.
“Chúng ta cần phải quay lại những nguyên tắc cơ bản để đối diện với những thách thức này. Con đường duy nhất để vượt qua những thách thức hiện nay là quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, đó là: độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, chủ nghĩa đa phương, giải quyết hoà bình các thách thức và phi bạo lực. Chúng ta cần phải ngăn chặn sự thù địch, phân biệt đối xử, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bài ngoại vì những tư tưởng này đi ngược với tầm nhìn của chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải chia sẻ trách nhiệm ứng phó với các thách thức này”, Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, chủ đề Hội nghị năm nay “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” là hết sức phù hợp và đúng thời điểm. Chủ tịch Thường trực ICAPP mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và nâng cao hiểu biết về những khuôn khổ, công cụ hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu giữa lãnh đạo các đảng chính trị.
Nhắc lại mục tiêu và nền tảng hoạt động của ICAPP, Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để làm mới những cam kết của ICAPP. “Hội nghị lần này cho thấy, chúng ta có khả năng giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu với tư cách là các chính đảng kết nối các tầng lớp xã hội, tập hợp nỗ lực chung thúc đẩy những chính sách bao trùm và hiệu quả”.
Chủ tịch Hội nghị toàn thể ICAPP 12, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Samdech Hun Manet phát biểu đề dẫn và tuyên bố khai mạc Hội nghị ICAPP 12. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phát biểu đề dẫn và tuyên bố khai mạc Hội nghị ICAPP 12, Chủ tịch Hội nghị toàn thể ICAPP 12, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Samdech Hun Manet nhấn mạnh, một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, hòa giải là cam kết tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó, cần phải nhớ rằng, sự tin cậy chính trị là nền tảng để xây dựng hòa bình và hợp tác.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Hun Manet cũng khẳng định lập trường của Đảng Nhân dân Campuchia là: bảo vệ hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển của quốc gia.
Là khách mời đặc biệt tham dự Hội nghị, phát biểu tại phiên khai mạc, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chân thành cảm ơn Đảng Nhân dân Campuchia, đặc biệt là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet và Ban Tổ chức Hội nghị ICAPP đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội tin rằng, Hội nghị lần này sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường hiểu biết, làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á.
"Chúng tôi đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Campuchia và cá nhân Chủ tịch Hunsen trong cơ chế của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á năm nay nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, vì thịnh vượng chung và phát triển tại khu vực", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trong phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thế giới ngày nay đang trải qua nhiều biến động to lớn với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, bất ổn chính trị, bạo động, xung đột trên thế giới ngày càng gia tăng, với phạm vi và tác động vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Cùng với đó là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, buôn lậu, buôn bán người…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "đây là thực tế phản ánh những trở ngại to lớn đối với hòa bình thế giới và an ninh con người, thậm chí có những thời điểm đe dọa thịnh vượng chung của các quốc gia châu Á".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục nổi lên là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Với vị thế là đầu kéo quan trọng của tăng trưởng toàn cầu, trung tâm liên kết kinh tế và sáng kiến toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vẫn đang tiếp tục thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong bản đồ địa chính trị thế giới.
Với chuyển động phức tạp của cục diện an ninh toàn cầu như thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, châu Á và ASEAN thời gian qua tiếp tục có nhiều nỗ lực, tích cực, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tìm kiếm hòa bình và hòa giải cho các bất đồng, tranh chấp, xung đột, tích cực phấn đấu vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung và phát triển của toàn nhân loại vừa là mục tiêu, song cũng là trách nhiệm quốc tế của mỗi đảng, mỗi nước.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á lần thứ 12 với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” thể hiện nỗ lực và cam kết của các đảng chính trị tại khu vực đối với nỗ lực gây dựng đoàn kết, chung tay hợp tác, góp phần thúc đẩy giải quyết các xung đột, điểm nóng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
"Là các đảng cầm quyền, tham chính, có tiếng nói và vai trò hoạch định chiến lược và triển khai chính sách, chúng ta cần và hoàn toàn có thể phát huy sức mạnh chung thông qua Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á hiện thực hóa mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển trên thế giới nói chung và khu vực châu Á của chúng ta nói riêng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chia sẻ với lãnh đạo các đảng chính trị tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; ủng hộ những nỗ lực của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.
"Chúng tôi cho rằng, chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch danh dự của Hội nghị toàn thể ICAPP 12 Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao thế mạnh của ICAPP với sự phát triển liên tục kể từ khi thành lập năm 2000 đến nay, trở thành một diễn đàn của các đảng chính trị lớn nhất cả về quy mô và ảnh hưởng địa chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Theo Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hoà giải” của Hội nghị cũng là nội dung mà Campuchia có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, bởi đất nước đã trải qua nhiều năm xung đột cùng hơn 3 thập kỉ hoà bình và thịnh vượng. Việc các Đảng chính trị gặp gỡ và thảo luận về chủ đề này trong năm nay là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng, xung đột xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
“Việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ là cực kì quan trọng, dựa trên nguyên tắc tin cậy, hiểu biết lẫn nhau cùng có lợi để đi được đường dài, hoà hợp và giảm thiểu căng thẳng, giải quyết xung đột”. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Hun Sen cũng chỉ rõ, để đạt được hòa bình cần phải hòa giải sự khác biệt, cần phải có những giải pháp hòa bình, giải quyết các xung đột thông qua đối thoại và cách tiếp cận tất cả các bên cùng thắng.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham dự 3 Phiên họp toàn thể, Đối thoại bàn tròn giữa các Đảng chính trị từ châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, Châu Âu, cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng Văn hóa châu Á (ACC), cuộc họp lần thứ 7 của Diễn đàn Truyền thông ICAPP.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố hòa bình Phnom Penh về tìm kiếm hòa bình, hòa giải thông qua sức mạnh tập thể và sự hợp tác của các đảng chính trị trong và ngoài châu Á.
ICAPP là diễn đàn quốc tế lớn nhất của các đảng chính trị ở khu vực châu Á và cũng là diễn đàn đa phương chính đảng lớn nhất thế giới, được thành lập năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các Đảng chính trị tại châu Á và châu Đại Dương, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng thông qua vai trò đặc biệt của quan hệ kênh đảng. Hiện nay, ICAPP có hơn 350 chính đảng thuộc 52 nước và 01 lãnh thổ có đủ tư cách tham gia các hoạt động của ICAPP. Trong những năm gần đây, ICAPP không ngừng nâng câo vị trí và ảnh hưởng tại khu vực, đồng thời khẳng định vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng châu Á với các đối tác ở các khu vực khác trên thế giới.
Đảng ta tham gia chủ động, tích cực và là thành viên quan trọng của ICAPP; liên tục được tín nhiệm bầu là Uỷ viên Uỷ ban Thường trực của ICAPP, có tiếng nói và ảnh hưởng trong các quyết định của tổ chức.