A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động, sáng tạo để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06

Sáng 10-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

dean1.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội....

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

dean3.jpg

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Công văn của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các “điểm nghẽn” về Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối với 23 nhiệm vụ, các bộ ngành đã hoàn thành 1/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 3 Luật.

Về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Tỷ lệ công bố thủ tục hành chính đúng hạn đạt cao nhất tại các bộ ngành đạt 14,28%. Tại địa phương, tỷ lệ công bố thủ tục hành chính đúng hạn đạt 75%, tỷ lệ đồng bộ công khai quá trình giải quyết thủ tục hành chính đạt 43,25%.

Về đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đã có 62/63 địa phương ban hành Nghị quyết của HĐND miễn giảm phí, lệ phí; trong đó, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng ‘‘0’’ đến hết năm 2025 đối với 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; HĐND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng ‘‘0’’ đến hết năm 2025 đối với 5 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.

Về hạ tầng công nghệ, trên cơ sở kết quả rà soát của 55/63 địa phương, 17/30 bộ, ngành, trong đó có 100 hệ thống thông tin đã kết nối hoặc có nhu cầu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định có 79/100 hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 79%); 82/100 hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố. Ảnh: Mai Hữu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Thu 50 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quy định hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và hoạt động kinh doanh truyền thống. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đều thuộc diện chịu điều chỉnh của 3 sắc thuế chính là: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Sau 1 năm triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, ngành thuế đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế với mục tiêu tăng cường tuân thủ, tự giác kê khai, nhằm hạn chế xử lý vi phạm. Kết quả đã có nhiều cá nhân kinh doanh online tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế. Cơ quan thuế địa phương đã hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo thực hiện 100% các thủ tục thuế bằng điện tử mà không phải trực tiếp với cơ quan thuế theo hình thức truyền thống.

Theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó: Cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trên cơ sở dữ liệu từ 3 sàn lớn nhất là Shopee, Tiki, Lazada, Cục Thuế Hà Nội đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn nêu trên.

Kết quả tổng số thuế đã thu được năm 2024: Từ 418 sàn thương mại điện tử đạt 2.547 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử năm 2024 đạt 7.362 tỷ đồng (doanh nghiệp 6.668 tỷ đồng, hộ kinh doanh 608 tỷ đồng, cá nhân 86 tỷ đồng).

dean2.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

5 nhiệm vụ xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả việc tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số vấn đề còn chậm như tiến độ xây dựng thể chế, chính sách về chuyển đổi số; công tác rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính; thế chế, chính sách về thương mại điện tử… Bên cạnh đó phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng gia tăng, xảy ra lộ lọt thông tin dữ liệu công dân…

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ hội nghị sơ kết, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu Thủ tướng các cơ quan, bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, phát huy tinh thần “nói là làm, đã cam kết là thực hiện”, “đã làm, thực hiện là phải có hiệu quả cân đong, đo đếm được”. “Chúng ta chỉ có bàn làm, không có bàn lùi”, đồng chí Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ cụ thể để xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc đang gặp phải, mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương không trông chờ, ỷ lại, cần tích cực chủ động, sáng tạo theo điều kiện, thẩm quyền cả về nhân lực, nguồn lực trong triển khai chuyển đổi số nói chung.

Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1-7-2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương theo phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý thương mại điện tử. “Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát, khắc phục hiệu quả các nhóm vấn đề còn hạn chế, khuyết điểm, có lộ trình thực hiện bảo đảm tính nghiêm minh”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...