Chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Tránh tình trạng 'lên tivi mà nhận'
Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) chiều 18.7, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Lê Văn Thanh đã yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh việc chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, tránh tình trạng... "lên tivi mà nhận".
Tỉ lệ chi trả, giải nhân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động tại TPHCM còn thấp Ảnh minh hoạ: Tường Minh
Tránh thủ tục rườm rà
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của TP.HCM về "chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ: Mới chỉ được gần 1,2%"; Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng TP.HCM có số lượng NLĐ lớn nên ông rất chia sẻ với những áp lực của TP nhưng cần cố gắng vì người dân và giúp phục hồi kinh tế xã hội.
Ông nhận định tiến độ chi trả tiền trợ cập cho NLĐ còn rất thấp và đặt vấn đề về sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Ông Thanh dẫn chứng số liệu như tại quận Gò Vấp có khoảng 5.000 doanh nghiệp nhưng tại sao chỉ có hơn 400 doanh nghiệp lập danh sách.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ cho NLĐ nhưng thực ra cũng là hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân và tuyển dụng thêm lao động. Vì thế, trách nhiệm thực hiện chính sách của cả NLĐ và doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị cũng đã đơn giản hoá rất nhiều về thủ tục hành chính.
"Mẫu cam kết của NLĐ chỉ cần xác nhận bởi chủ nhà trọ thôi chứ không cần chính quyền địa phương để tạo điều kiện hơn. Trước kia, chúng ta có nhiều chính sách phải có xác nhận của chính quyền địa phương cho nên dư luận xã hội phản ánh rằng lấy ít tiền mà qua nhiều thủ tục quá, mãi không được. Vì thế, chúng tôi đã lấy ý kiến các bộ ngành để bỏ qua bước này, hỗ trợ trực tiếp, tạo điều kiện cho NLĐ", ông Thanh cho hay.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại buổi làm việc với TP.HCM chiều 18/7. Ảnh: Huyên Nguyễn
Cùng với đó, ông nhấn mạnh các đơn vị cần hiểu cho đúng và thực hiện đúng, thực tế hướng dẫn đã tinh giản rất gọn nhẹ nhưng quá trình triển khai còn chậm.
"Thời gian chỉ loanh quanh dưới 15 ngày. Có nhanh thì mới khuyến khích được NLĐ. Ý nghĩa như thế nên chúng ta phải làm nhanh chứ làm lâu quá NLĐ lại chán nản. NLĐ lại kêu ca nhiều thủ tục quá, chờ mãi chẳng thấy đâu cả. Rồi "lên tivi nhận tiền"… Vì thế cần đẩy nhanh hơn", ông Thanh nói.
Đại diện Bộ LĐTB-XH đề nghị TP.HCM tăng cường chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu tất cả các quận huyện đẩy nhanh tiến độ, học tập kinh nghiệm của huyện Củ Chi đã triển khai. Bên cạnh đó, đảm bảo tất cả NLĐ thuộc đối tượng này, ít nhất là đã viết đơn và lập danh sách đều được hưởng chế độ, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh không để tình trạng thêm thủ tục, chậm thời gian, phải tăng cường hậu kiểm chứ không tiền kiểm dẫn đến thời gian kéo dài.
Đặc biệt, giải thích về việc rà soát, trích dẫn thông tin, ông Lê Văn Thanh cho biết việc này chỉ để phân loại đã đăng ký hay chưa đăng ký tạm trú thôi, nhiều nơi hiểu rằng phải chờ đăng ký tạm trú mới giải ngân là chưa chính xác. Sau đó, ai chưa đăng ký tạm trú sẽ yêu cầu thực hiện đúng quy định. Những khó khăn thắc mắc đề nghị phản ánh lên Bộ LĐTB-XH qua các hình thức văn bản, điện thoại, website...
Đại diện các sở, ban, ngành tại TP.HCM báo cáo đoàn làm việc. Ảnh: Huyên Nguyễn
Không quá cẩn trọng dẫn đến chậm tiến độ
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn làm việc, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP sẽ làm tốt hơn công tác hỗ trợ NLĐ trong các khía cạnh, đặc biệt là việc triển khai Quyết định 08 hỗ trợ tiền thuê nhà của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đức cũng chia sẻ TP có kế hoạch từ khá sớm nhưng trong quá trình chuẩn bị, triển khai các Nghị quyết 68/2021/NQ-CP và Nghị quyết 126/2021/NQ-CP gặp vướng mắc và tốn nhiều công sức xử lý số liệu. Bên cạnh đó, TP cũng ghi nhận và xử lý có đối tượng cố tình lạm dụng chính sách của nhà nước để trục lợi nên một số địa phương còn thận trọng quá. Tuy nhiên, TP sẽ quyết liệt triển khai nhanh chính sách này.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh sẽ tích cực thông tin, tuyên truyền đến NLĐ, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách.