A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng

Sáng 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4/2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị trình Quốc hội.

 

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 5 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương; “1 luật sửa 7 luật” để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các ý kiến tập trung thảo luận điều chỉnh lại quy hoạch khi không còn mô hình chính quyền cấp huyện; đề nghị làm rõ quy hoạch của cấp xã và đặc khu khi không còn cấp huyện. Đối với quy hoạch cấp tỉnh đã được phê duyệt, các ý kiến đề nghị sau khi các tỉnh sáp nhập, hình thành mới thì HĐND tỉnh mới sẽ quyết định lập, phê duyệt quy hoạch trên cơ sở các quy hoạch đã được công bố.

Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các ý kiến đề nghị quy định cụ thể đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty tài chính; đề nghị quy định cụ thể việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh xuống cho cấp xã, phường, đặc khu. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, nhưng không phát sinh thêm thủ tục mới.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thực tế doanh nghiệp phản ánh thể chế còn vướng mắc, việc phải đi quá nhiều cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính và quyết định ban hành các chính sách chậm... Do đó, quá trình xây dựng pháp luật phải nhanh, có tính quyết đoán. “Các bộ, các ngành, địa phương đã rất chủ động sáng tạo trong quá trình xây dựng luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật pháp, thực tiễn hiện nay phải rất nhanh, phải phù hợp và hiệu quả theo rất sát về sự kiện. Vì nếu không thì sẽ lạc hậu, nếu không lại bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta phải rất sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thời gian tới phải tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cắt giảm các thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, đặc biệt phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương.

“Theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, nhưng đi đôi là phân bổ nguồn lực. Cùng với đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, có công cụ kiểm tra, giám sát quyền lực. Phát huy tính sáng tạo, chủ động các cấp, các ngành. Không biết thì không quản. Chỉ quản chính sách và luật pháp bằng cơ chế chính sách, chứ không quản trực tiếp, “lên để đi xin” là không được. Bây giờ chính quyền 2 cấp thì tăng cường cho cấp cơ sở” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh “1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan”; quy định rõ “quyền hạn đi đôi với trách nhiệm”, “quyền hạn đi đôi với việc kiểm soát quyền lực”. Thực hiện đúng tinh thần quản lý nhà nước: thiết kế luật pháp, thiết kế cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực và giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Chính vì vậy, các bộ ngành ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật. Đồng thời phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; kịp thời báo cáo đối với những vấn đề phát sinh, những nội dung vượt thẩm quyền./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...