Biến thể Omicron mang lại hy vọng bất chấp số ca nhiễm tăng kỷ lục
Một loạt các nghiên cứu mới đã xác nhận: dù biến thể Omicron khiến số ca nhiễm gia tăng đến mức kỷ lục, số lượng ca bệnh nặng và nhập viện lại không tăng.
Một số nhà khoa học cho biết dữ liệu này báo hiệu một chương mới ít lo ngại hơn về đại dịch. "Chúng ta đang ở 1 giai đoạn hoàn toàn khác. Virus sẽ không biến mất nhưng tôi hy vọng là biến thể này sẽ tạo ra nhiều khả năng miễn dịch đến mức nó sẽ dập tắt đại dịch" - trích lời giáo sư Monica Gandhi, nhà miễn dịch học tại trường ĐH California (Mỹ).
Biến thể Omicron được phát hiện ở Nam Phi chỉ hơn một tháng trước và các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn nhiều thời gian để tình hình thay đổi. Nhưng dữ liệu từ tuần trước cho thấy rằng sự kết hợp của miễn dịch rộng rãi và nhiều đột biến đã tạo ra một loại virus gây bệnh ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các biến thể trước.
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy những bệnh nhân nhập viện trong làn sóng dịch thứ 4 do Omicron chi phối ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn 73% so với những bệnh nhân nhập viện trong đợt dịch thứ 3 vì Delta.
Việc tiêm phòng rộng rãi và hàng loạt đột biến khiến biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước. Ảnh: NY Times
Có rất nhiều yếu tố dường như đã khiến biến thể Omicron trở nên ít độc lực hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn so với các làn sóng dịch Covid-19 trước đó. Thứ nhất là khả năng ảnh hưởng đến phổi của virus. Việc nhiễm Covid-19 thường bắt đầu ở mũi và lan xuống cổ họng. Nếu virus di chuyển đến phổi, nó thường gây ra những triệu chứng nặng hơn.
Tuy nhiên, 5 nghiên cứu riêng biệt trong tuần qua cho thấy biến thể Omicron không ảnh hưởng đến phổi dễ dàng như những biến thể trước. Trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ, chuột đồng và chuột bị nhiễm Omicron ít bị tổn thương phổi hơn và ít có nguy cơ chết hơn so với những con bị nhiễm các biến thể trước đó. Một nghiên cứu ở Bỉ cũng công bố kết quả tương tự đối với chuột đồng Syria, loài vốn mắc bệnh đặc biệt nghiêm trọng với các biến thể trước đó của Covid-19.
Mặc dù Omicron có khả năng né tránh sự tấn công của các kháng thể khá tốt nhưng các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng nó khó tránh được lớp phòng thủ thứ hai của vắc-xin và các lần nhiễm bệnh trước đó: tế bào T và tế bào B.
Tế bào T chịu trách nhiệm tấn công virus một khi virus xâm nhập vào các tế bào của cơ thể nếu các kháng thể không ngăn chặn được sự lây nhiễm ngay từ đầu. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào bạch cầu của bệnh nhân Covid-19 để cho thấy rằng khoảng 70% đến 80% phản ứng của tế bào T được giữ nguyên so với các biến thể trước đó.
Điều này có nghĩa là đối với những người đã tiêm phòng hoặc từng nhiễm Covid-19 trong vòng 6 tháng, có khả năng tế bào T của họ có thể nhận ra Omicron và chống lại nó tương đối nhanh chóng. Nghiên cứu mới nhất này cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để giải thích tại sao các đợt lây nhiễm hiện nay dường như nhẹ hơn so với các đợt trước.