Y tế cơ sở nỗ lực “lấp lỗ hổng” hậu COVID-19
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2025. Trong những năm qua, y tế cơ sở của Thủ đô đã có nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là trong đợt dịch COVID-19 chưa từng có vừa qua. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở còn chưa được quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
“Thử lửa” trong đại dịch COVID-19
Trong hơn hai năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dù chưa thể có những chuẩn bị kỹ càng để ứng phó, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng thích nghi, thực hiện nhiều nhiệm vụ, công việc chưa từng có tiền lệ, phải vừa làm vừa học hỏi trong áp lực của dịch bệnh.
Đây cũng là những lần “thử lửa” để hệ thống y tế cơ sở của Thủ đô ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn. Thành phố Hà Nội luôn xác định y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; Đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Cán bộ y tế cơ sở thực hiện công tác khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh |
Mặt khác, y tế cơ sở là nơi người dân được tiếp cận với chi phí thấp, từ đó thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (gồm 579 trạm y tế, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone) và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Hiện tất cả 579/579 trạm y tế xã, phường (100%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định tại Quyết định 4667/QĐ- BYT của Bộ Y tế.
Tại hệ thống y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; Tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%... Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội cũng chính là lực lượng cán bộ của các trung tâm y tế thực hiện đa chức năng.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Võng La, huyện Đông Anh |
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng là mắt xích then chốt để kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch COVID-19, đồng thời cũng bộc lộ nhiều hạn chế về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất.
Chính vì vậy, việc duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở là một thách thức không nhỏ.
Trên thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ của y tế cơ sở còn hạn chế, hiệu quả hoạt động còn thấp. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chưa phù hợp; Đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn hẹp. Thuốc và trang thiết bị cho y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
Cơ cấu nhân lực tại trạm y tế xã còn chưa đầy đủ và phù hợp… Việc thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ các yếu tố chi phí dẫn đến nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.
Từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến một thực tế là người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Đa phần, tâm lý chung của người dân khi tìm hiểu các cơ sở khám chữa bệnh thường là các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương hoặc các bệnh viện tư, phòng khám tư nhân…
Người dân tới khám tại Trạm Y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên |
Được xây dựng từ năm 2008, đến nay, sau khoảng 15 năm vận hành, Trạm Y tế phường Việt Hưng (quận Long Biên) đã rơi vào tình trạng xuống cấp.
Cuối năm 2021, Trạm Y tế phường Việt Hưng đã được sửa chữa, cải tạo và đến tháng 4/2022 bắt đầu đi vào hoạt động với cơ sở khang trang, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, việc cải tạo, sửa chữa cũng chỉ chủ yếu là quét lại sơn, ốp đá, xử lý những mảng tường vôi bị bong tróc…
Trạm trưởng Trạm Y tế phường Việt Hưng Lưu Thị Loan cho biết, hiện nhân viên y tế tại trạm chủ yếu thực hiện khám lâm sàng, thiếu máy móc, trang thiết bị để khám cận lâm sàng. Thêm vào đó, một số danh mục kỹ thuật trạm y tế làm được nhưng lại chưa có nhân lực để thực hiện, nên người dân đến khám bệnh tại đây rất ít.
Cần cơ chế tài chính thỏa đáng
Đối với tiêu chí quốc gia về y tế xã (theo Bộ tiêu chí mới tại Quyết định số 1300/2023/QĐ-BYT của Bộ Y tế, gồm 10 tiêu chí, 47 chỉ tiêu, trong đó có một tiêu chí mới - Tiêu chí 10: Ứng dụng công nghệ thông tin, tổng điểm 100 điểm) thì huyện Đông Anh đã đăng ký các xã: Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Uy Nỗ, Vân Hà, Việt Hùng, Xuân Canh để công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã trong năm 2023.
Hiện nay, toàn huyện Đông Anh có 12/24 trạm y tế đạt 90% danh mục kỹ thuật, gồm: Xuân Canh, Tiên Dương, Dục Tú, Kim Chung, Bắc Hồng, Uy Nỗ, Hải Bối, Đông Hội, Đại Mạch, Cổ Loa, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc (theo gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế).
Thực hiện đề án phát triển y tế cơ sở huyện Đông Anh giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm Chính trị huyện và các xã, thị trấn phối hợp mở lớp đào tạo cấp chứng chỉ cho đội ngũ nhân viên y tế thôn nhằm chuẩn hóa, tạo lực lượng thay thế kế cận.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trạm y tế xã Mai Lâm, huyện Đông Anh |
Đến nay, Phòng Y tế và các xã, thị trấn đã thống nhất danh sách gồm 57 người đều có trình độ văn hóa 12/12, cam kết thực hiện nhiệm vụ y tế thôn sau khi được đào tạo, tại 17 xã: Bắc Hồng, Mai Lâm, Kim Nỗ, Xuân Canh, Uy Nỗ, Liên Hà, Tàm Xá, Dục Tú, Hải Bối, Đông Hội, Vân Hà, Cổ Loa, Võng La, Việt Hùng, Tiên Dương, Đại Mạch, Nguyên Khê. Trung tâm Chính trị đang thực hiện thủ tục để mở lớp đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định, thời gian đào tạo 90 ngày.
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thu Hà cho biết: “Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, khi nhân viên y tế bị quá tải, huyện đã thiết lập thêm các trạm y tế lưu động thu dung công nhân ở khu công nghiệp; Đồng thời huy động thêm lực lượng y tế thôn, các bác sĩ về hưu, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cùng tham gia hỗ trợ.
Mặc dù đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ song thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nên trạm y tế không thu hút được nhân lực”.
Đây cũng là một thực tế đáng buồn tại nhiều trạm y tế trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân của việc “khát” nhân lực ở hệ thống y tế cơ sở do chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến.
Cán bộ trạm y tế cơ sở hướng dẫn người dân phòng chống sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng |
Đây vừa là những điểm tồn tại, vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là lực lượng bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y.
Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ. Nguồn thu của các đơn vị công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế bị giảm so với những năm trước.
Bên cạnh đó, sau đại dịch, khu vực y tế tư nhân có xu hướng hoạt động mạnh trở lại với các chính sách tuyển dụng và thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc ít áp lực hơn do cán bộ y tế tại cơ sở tư nhân thường không phải thực hiện nhiệm vụ quản lý mà chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy. Do đó, nguồn nhân lực cũng “chảy” sang khu vực tư nhân nhiều hơn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Phát biểu tại các phiên thảo luận Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) Trần Nhị Hà cho biết: “Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập nhưng đến nay đã hết hiệu lực.
Do đó, thành phố rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế; Trong đó chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế”.
Về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hiện chế độ tiền lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm.
Theo Giám đốc Sở Y tế, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng vốn ngân sách Nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở.
Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã. Mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, đảm bảo tính căn cơ và lâu dài.