A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ cư trú tại TP.HCM. Tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 4 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong tổng số 5 trường hợp của cả nước.

Phát hiện thêm 1 ca đậu mùa khỉ

Ngày 1/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, vào ngày 29/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ cư trú tại TP.HCM. Nâng tổng số ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM lên 4 trường hợp.

Theo đó, ngày 28/9, một bệnh nhân nam, 34 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Bệnh nhân hiện đang được cách ly điều trị.

Sau khi có kết quả mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát bệnh. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thứ tư nêu trên có địa chỉ thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

TP.HCM phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ
Có 4/5 ca mắc đậu mùa khỉ của cả nước được phát hiện tại TP.HCM.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân thông báo cho các người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho Trạm Y tế.

Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. HCDC tiếp tục điều tra, theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Trường hợp bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trước đó tạm trú tại TP.HCM (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp gần với người này tại Bình Dương đã mắc đậu mùa khỉ thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo tổng hợp của CDC Hoa Kỳ, tính đến ngày 27/9, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca đậu mùa khỉ được xác định. Được biết, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Báo cáo tình hình số ca mắc đậu mùa khỉ vào ngày 14/8 thì đến ngày 11/9, WHO đã nhận được báo cáo về 1.131 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và 5 trường hợp tử vong mới.

Cũng theo báo cáo của WHO, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh đậu mùa khỉ mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Nguy cơ gây tử vong của đậu mùa khỉ

Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.

Ngành Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn bệnh đậu mùa, ít truyền nhiễm hơn bệnh đậu mùa, thường tự khỏi, với triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của bệnh gần đây khoảng 3 - 6%.

Theo BS Thảo, dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ là khi bệnh nhân có phát ban mụn nước, vị trí thường ở mặt, bàn tay chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục, kèm với các triệu chứng khác như sốt, đau cơ, sưng hạch, đau đầu, yếu sức. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền cho người do tiếp xúc gần với con vật bệnh hoặc người bệnh, hoặc do tiếp xúc với các vật thể nhiễm vi rút.

BS Thảo lưu ý, để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đối diện, hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo. Cần đeo khẩu trang nếu bạn bắt buộc phải tiếp xúc gần với người có triệu chứng và khi thay ga, gối giường, khăn và quần áo của người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Minh Tuấn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...