A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin sáng 22/3: Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả; người mắc COVID-19 có nên kiêng uống cà phê?

Âm tính giả được hiểu một cách đơn giản là hiện tượng trong cơ thể người bệnh có tác nhân virus nhưng kết quả xét nghiệm lại ra âm tính; Do cà phê có tính lợi tiểu làm tăng đào thải nước vì vậy bệnh nhân COVID-19 không nên uống.

Số lượng F0 giảm dần, Hà Nội và các tỉnh thành đã qua đỉnh dịch?

Tin sáng 22/3:  - Ảnh 2.

Chuyên gia nhận định, có thể Việt Nam đã qua đỉnh dịch COVID-19 giai đoạn này.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhận định, số ca COVID-19 hàng ngày của Hà Nội và cả nước đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Điều này cho thấy, Việt Nam đã qua đỉnh dịch. Kết quả này do thời gian qua Việt Nam đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nâng cao độ bao phủ vaccine. Do đó, dù F0 tăng cao nhưng không có dấu hiệu quá tải hệ thống y tế cũng như bệnh nhân nặng, tử vong giảm.

Dự báo trong thời gian tới dịch COVID-19 ở nước ta giảm nhiều. Trước việc biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ, cộng thêm độ bao phủ vaccine cao, chúng ta nên cân nhắc việc mở thêm các hoạt động để phát triển kinh tế, xã hội. Kể cả dịch vụ quán bar, karaoke hay thẩm mỹ, spa... đều có thể mở được trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt chúng ta nên cho các cháu đến trường học trực tiếp, dừng việc học online lại để trẻ được phát triển toàn diện nhất. Chúng ta cũng không nên quá phụ thuộc vào việc có nên tiêm vaccine cho trẻ em hay không.

Ngày 21/3: Ca mắc mới tiếp tục giảm, còn 131.713; số F0 khỏi là 179.640 ngườiNgày 21/3: Ca mắc mới tiếp tục giảm, còn 131.713; số F0 khỏi là 179.640 người

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 21/3 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm so với hôm qua còn 131.713 ca; trong ngày số F0 khỏi bệnh là 179.640 người; số ca tử vong là 69

Người mắc COVID-19 có nên kiêng uống cà phê?

Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng, góp phần chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ cũng như cho cá nhân và gia đình người bệnh.

Người mắc COVID-19 thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi rất cần thiết. Cần uống nhiều nước với lượng 40-45ml/kg cân nặng/ngày, ví dụ một người 50kg cần uống khoảng 2,5 lít nước một ngày. Do cà phê có tính lợi tiểu làm tăng đào thải nước vì vậy bệnh nhân COVID-19 không nên uống. Nên uống nước ấm và nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Người bệnh có thể uống nước lọc hoặc nước ép hoa quả.

Bên cạnh đó, khi mắc COVID-19, tâm lý chung của đa số người bệnh là rất lo lắng, căng thẳng kèm theo triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ… Việc uống đồ chứa nhiều caffeine gây kích thích thần kinh như cà phê sẽ không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, cà phê còn gây tăng nhịp tim không tốt cho bệnh nhân có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường…

Đặc biệt, trong trường hợp người mắc COVID-19 có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, buồn nôn… không nên uống cà phê để phòng nguy cơ mất nước. Cách tốt nhất để tăng cường thể trạng là ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, nếu có sốt nên uống nhiều nước và uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải.

Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả

Tin sáng 22/3: Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả; người mắc COVID-19 có nên kiêng uống cà phê? - Ảnh 5.

Kết quả âm tính giả khi chị Loan làm test nhanh cho các con

Test nhanh âm tính, thậm chí là thử nhiều loại test và test lại nhiều lần nhưng vẫn âm tính, tuy nhiên khi thực hiện xét nghiệm PCR thì đã cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là hiện tượng không hiếm gặp của không ít gia đình .

Trao đổi với phóng viên VTV Sức khoẻ, chị Trần Thị Loan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kể lại: "Hai cháu nhà tôi có triệu chứng rất là giống người bệnh COVID-19 nên gia đình đi mua que test về, mới đầu là test nước bọt cho các cháu đỡ sợ thì âm tính. Sau đó tôi tiếp tục test dịch tỵ hầu nhưng kết quả vẫn âm tính. Thế nhưng khi gia đình gọi bệnh viện đến test PCR thì kết quả là dương tính.

Tương tự, chị Phạm Thị Thanh Thuỷ - quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Sau khi mắc COVID-19 khoảng 1 tuần, tôi thực hiện test nhanh thì có kết quả âm tính. Tôi đã chuẩn bị tâm thế để quay trở lại làm việc rồi. Tuy nhiên, sau khi test PCR xong thì kết quả lại vẫn đang dương tính.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhất là khi biến thể phụ BA.2 của Omicron - hay còn gọi là Omicron "tàng hình" - đang chiếm phần lớn các ca mắc. Đây là loại biến chủng mà nhiều nghiên cứu cho rằng có thể "lẩn tránh" được xét nghiệm.

TS. BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải: "Hiện tượng âm tính giả có thể liên quan đến kỹ thuật lấy mẫu. Một giả thiết nữa là lượng virus đào thải ra không nhiều. Ví dụ như người mới nhiễm hoặc sắp khỏi thì lượng virus đào thải ra không liên tục. Ngoài ra, có những trường hợp biểu hiện rầm rộ nhưng mà xét nghiệm lại âm tính, nhưng có khi sau vài ngày hết triệu chứng thì xét nghiệm lại dương tính. Những trường hợp như vậy không phải hiếm trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt khi chủng mới của Omicron lan tràn".

Trên thực tế, không phải ai cũng cảnh giác và có điều kiện làm xét nghiệm PCR để khẳng định nhiễm bệnh hay là khỏi bệnh trước khi tái hoà nhập cộng đồng giống như hai gia đình ở trên. Chính vì vậy, kể cả khi có kết quả test nhanh âm tính, không chủ quan là điều các chuyên gia khuyến cáo.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường – Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo: Nếu test nhanh cho kết quả âm tính mà người dân không theo dõi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, lắng nghe cơ thể… thì virus có thể tiếp tục nhân lên dẫn đến tình trạng tái dương tính.

TS. BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo thêm: Người dân dù test nhanh âm tính vẫn không nên chủ quan, thay vào đó vẫn nên cẩn thận, theo dõi tiếp triệu chứng, đảm bảo thực hiện tốt 5K để phòng bệnh cho những người khác. Bởi nếu nồng độ virus nếu tiếp tục tăng ở những ngày sau đó, có thể lây nhiễm tiếp cho cộng đồng. Đây chính là một nguồn lây tiềm tàng cần cảnh giác.

Sinh viên mắc COVID-19 tăng nhanh, các trường đại học vất vả ứng phó

Tin sáng 22/3: Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả; người mắc COVID-19 có nên kiêng uống cà phê? - Ảnh 7.

Công tác phòng, chống dịch tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, với số lượng hơn 8.000 học sinh, sinh viên, nhà trường đã chia ca học làm hai buổi sáng – chiều. Phương pháp chia ca học sẽ hạn chế được tình trạng tụ tập đông đúc và giúp nhà trường dễ dàng hơn trong công tác quản lý trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn thiết lập trạm y tế lưu động ngay trong trường nhằm đáp ứng kịp thời các ca F0 hoặc sinh viên có dấu hiệu nghi mắc COVID-19.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp. Trong trường lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt tự động. Trường hợp sinh viên là F0, F1, nhà trường có nhiều hỗ trợ thiết thực cho SV như: tạo lập kênh vừa trực tuyến vừa trực tiếp để SV có thể học online tại nhà để không bị nhỡ các lịch học trên lớp. Trước những hạn chế của việc học online, việc đến trường để tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn là mong muốn của hầu hết các sinh viên. Tuy nhiên, sĩ số lớp học thường thiếu đi 2/3 sinh viên do mắc COVID-19. Để ứng phó với F0, F1, nhà trường chuẩn bị và luôn sẵn sàng linh động, kết hợp các phương pháp dạy giúp SV không bị hổng kiến thức".

Sau dương tính, F0 cần test nhanh bao nhiêu lần là đủ?

Với đa số mọi người, test nhanh dương tính giúp báo hiệu họ biết nhiễm COVID-19 (có thể có hay không triệu chứng) - cần bắt đầu giai đoạn cách ly và khi nào có thể quay lại bình thường. Tuy nhiên ở một số trường hợp, xét nghiệm COVID-19 dương tính có thể kéo dài nhiều tuần (hoặc vài tháng) ngay cả sau khi hồi phục. Điều này gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khi test nhanh dương tính lần đầu với COVID-19, có thể làm lại sau 5 ngày một lần. Nếu không triệu chứng khi mắc COVID-19 thì bệnh nhân có thể test nhanh vào ngày thứ 5. Nếu bệnh nhân là phụ nữ mang thai hoặc mắc bệnh lý nền thì có thể cần test lại vào ngày thứ 7. Như vậy, thường thì F0 cần test nhanh khoảng 3 lần (tính cả lần đầu tiên) với bệnh nhân không triệu chứng với mốc thời gian 5 ngày/lần và mốc 7 ngày/lần với người bệnh nền cho đến khi xét nghiệm báo âm tính.

F0 tại Đà Nẵng đăng ký, nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trực tuyến

Tin sáng 22/3: Nguy hiểm từ tình trạng âm tính với SARS-CoV-2 giả; người mắc COVID-19 có nên kiêng uống cà phê? - Ảnh 8.

Việc đưa vào sử dụng phân hệ hỗ trợ đăng ký, nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân, F0 và giảm tải cho cán bộ y tế cơ sở. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn)

Phân hệ hỗ trợ người dân điều trị COVID-19 (F0) đăng ký, nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trực tuyến mới được Sở TT&TT Đà Nẵng bổ sung, đưa vào sử dụng, trên cơ sở nội dung thống nhất tại buổi họp giải quyết các vướng mắc khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.

Theo hướng dẫn của Sở TT&TT Đà Nẵng, khi sử dụng phân hệ mới này, F0 tại Đà Nẵng sẽ dùng ứng dụng "Danang Smart City" để khai, đăng ký trực tuyến tại mục "Đăng ký nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội" trong mẫu (eForm) khai báo "Hỗ trợ cách ly, điều trị". Trạm y tế sẽ tiếp nhận thông tin khai, đăng ký của người dân.

Người dân có thể khai báo cùng lúc với khai báo ban đầu là F0 điều trị tại nhà hoặc khi khai báo lại tình trạng sức khoẻ hàng ngày. Thông tin khai báo Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 07 Thông tư 56/2017 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.Trường hợp F0 là người lớn, chỉ cần khai thêm đơn vị làm việc và mã số bảo hiểm xã hội hoặc số thẻ bảo hiểm y tế của bản thân. Nếu F0 là trẻ em, người khai hộ cần khai thêm thông tin về mã số bảo hiểm xã hội hoặc số thẻ bảo hiểm y tế của trẻ em, họ và tên cha, họ và tên mẹ, đơn vị làm việc của cha hoặc mẹ (người sẽ nhận bảo hiểm).Đối với cán bộ trạm y tế - nơi nhận thông tin đăng ký và thực hiện cấp các giấy tờ liên quan cho F0 trên phầm mềm, Sở TT&TT Đà Nẵng cũng hướng dẫn rõ nội dung công việc cần làm tại phân hệ mới được bổ sung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...