Chữa trị di chứng hậu COVID-19, đừng để "tiền mất tật mang"
Lợi dụng tâm lý lo lắng của cộng đồng sau khi mắc COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân bán thuốc hoặc bán các gói khám và điều trị di chứng hậu COVID-19. Các chuyên gia khuyến cáo không phải bệnh nhân nào nhiễm COVID-19 đều để lại di chứng.
TP - Lợi dụng tâm lý lo lắng của cộng đồng sau khi mắc COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân bán thuốc hoặc bán các gói khám và điều trị di chứng hậu COVID-19. Các chuyên gia khuyến cáo không phải bệnh nhân nào nhiễm COVID-19 đều để lại di chứng.
Hơn 1 tuần sau khi mắc COVID-19, chị Lê Lan Phương (39 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) có cảm giác bị hụt hơi khi lên xuống cầu thang. Cơ thể thường mệt mỏi, muốn ngủ nhiều hơn trước khi mắc bệnh.
Chị Phương lo lắng nên đã lên mạng tìm hiểu thì được một người tự xưng là thầy thuốc Nam chẩn đoán chị đang đối mặt với di chứng hậu COVID-19, cần phải uống thuốc theo thang của ông, mỗi liệu trình điều trị là 3,5 triệu đồng.
Không tin tưởng, chị Lan Phương đã đến Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM thăm khám. Tôi đã thực hiện theo các bài tập bác sĩ hướng dẫn, đến nay sức khỏe bình phục tốt. Tổng chi phí khám của tôi tại bệnh viện chưa đến 1 triệu đồng”, chị Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều người đã vô tình sập bẫy chiêu “hù dọa, vẽ bệnh” của lang băm. Kể lại câu chuyện của mình, anh Phạm Công Bình (36 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức), cho biết: “Vợ chồng tôi cùng lúc bị nhiễm COVID-19 và đều uống thuốc kháng vi rút Molnupiravir. Sau khi khỏi bệnh, tôi đến phòng mạch tư trên địa bàn kiểm tra di chứng. Họ làm đủ các xét nghiệm, chiếu chụp với chi phí mỗi người gần 4 triệu đồng.
Bác sĩ tư vấn nói vợ chồng tôi phải theo dõi điều trị để tránh nguy cơ vô sinh sau khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Tôi hoang mang quá nên đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra lại thì tất cả đều bình thường. Bác sĩ chỉ khuyến cáo không nên có thai trong vòng 6 tháng sau điều trị COVID-19”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM khẳng định: “Không phải ai mắc COVID-19 cũng bị di chứng hậu COVID-19, ngược lại hầu hết người mắc COVID-19 không để lại di chứng đặc biệt là với biến chủng Omicron. Thời gian gần đây, mặc dù số lượng người nhiễm bệnh ở mức cao nhưng số người đến khám, điều trị di chứng hậu COVID-19 tại bệnh viện không nhiều.
Không nên quá lo lắng
Theo PGS.TS.BSCK2 Trần Văn Hưởng (phụ trách điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương), có ba triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
“Tôi là 1 bác sỹ phụ trách theo dõi, chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tầng 1 đến tầng 3 (tầng bệnh nhân nguy kịch) thì thấy hậu COVID-19 có rất nhiều tổn thương khác nhau và F0 cần được thăm khám sớm tại cơ sở y tế”, ông Hưởng chia sẻ.
Ông Hưởng cho rằng, các tổn thương phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ khi bị nhiễm và biến chứng khi nhiễm biến chủng Omicron thường gây nên các tổn thương ở đường hô hấp trên, ít xâm lấn xuống phế quản và nhu mô phổi. Diễn biến nặng, suy hô hấp phải nhập viện, vào ICU thấp hơn rất nhiều.
So với biến chủng Delta, biến chủng Omicron mới xuất hiện ở Việt Nam nên chưa đủ thời gian để đánh giá các di chứng hậu như thế nào. Qua các bệnh nhân đã mắc COVID-19 thì tổn thương di chứng hậu COVID-19 là khá phổ biến, có thể tổn thương 1 hoặc nhiều cơ quan, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tỷ lệ phụ nữ bị hội chứng hậu COVID-19 nhiều hơn nam giới, người trưởng thành có tổn thương nhiều hơn trẻ em.
PGS. Hưởng khuyến cáo, người mắc COVID-19 phải có tâm lý ổn định, không quá lo lắng, hoang mang, dễ tạo ám thị cơ thể mình. Các triệu chứng tự tìm hiểu và cảm nhận, nhưng cũng không được chủ quan.
Mặt khác, cần đi khám và điều trị bài bản trong thời gian mắc bệnh. Ngay sau (xét nghiệm dương tính) 5 đến 7 ngày điều trị, xét nghiệm đã âm tính vẫn cần được theo dõi và điều trị bổ sung cho hết hoàn toàn các triệu chứng.
“Cần phát hiện sớm COVID-19 để điều trị kịp thời, ức chế nhân lên của virus sớm giờ nào tốt giờ đó cùng các thuốc phối hợp nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp. Người mắc COVID-19 tiếp tục theo dõi và điều trị các triệu chứng sau khi xét nghiệm âm tính.
Vật lý trị liệu là rất quan trọng trong giai đoạn toàn phát cũng như giai đoạn lui bệnh như tập thở, nằm sấp, thay đổi tư thế khi nằm, tập thể dục nhẹ nhàng, vỗ rung vùng ngực cùng chế độ ăn uống phù hợp”, ông Hưởng tư vấn.
Theo TS.BS Phan Minh Hoàng, chỉ có những trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 mà lớn tuổi, có bệnh lý nền; trong quá trình nhiễm bệnh có những tổn thương nặng ở phổi, suy hô hấp nặng phải thở máy, ECMO thì mới nên đi khám để đánh giá các cơ quan trong cơ thể có bị tổn thương hay không.