A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, ngồi một chỗ, cô gái 16 tuổi mắc đái tháo đường

Bệnh nhân có thói quen thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, ít vận động và ngồi một chỗ hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.

Ngày 28/12, thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, những năm gần đây, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đái tháo đường type 2 là người trẻ.

Trong đó, mới đây nhất, Khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện đã tiếp nhận một ca bệnh đái tháo đường type 2 chỉ mới 16 tuổi. Bệnh nhân là P.T.T (16 tuổi, Hà Nội). Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày không đỡ nên đi khám tại bệnh viện gần nhà.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường và được điều trị thuốc uống 7 ngày. Tuy nhiên, tình trạng đường huyết chưa ổn định nên bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp tục điều trị.

Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, ngồi một chỗ, cô gái 16 tuổi mắc đái tháo đường - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được thăm khám và kết luận: mắc đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang. Bệnh nhân được đưa vào điều trị nội trú tại khoa Thận tiết niệu.

Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thói quen thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, ít vận động và ngồi một chỗ hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.

Sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân đã hết các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đường huyết đã ổn định và đã giảm được 3kg.

Ngoài ra, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng; hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa đang gặp phải của mình.

Theo các bác sĩ, với những trường hợp mắc đái tháo đường, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, nên tham khảo tư vấn chế độ ăn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu.

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, khuyến khích ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc (có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2); hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường - như nước ngọt, nước trái cây có đường có thể dẫn đến tăng cân quá mức.

Đồng thời, cần khuyến khích nhiều hoạt động thể chất ở trẻ. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động như xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...