A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đàn ông 36 tuổi suy đa tạng nguy kịch sau khi bị mò đốt

Bệnh nhân được chuyển đến viện trong tình trạng sốt cao, suy đa tạng, ở ngực có vết loét.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân bị sốt mò, biến chứng suy đa tạng nguy kịch.

Theo đó, bệnh nhân nam, 36 tuổi, không có bệnh lý mạn tính, sinh sống gần đồi núi. Bệnh nhân cho biết, bản thân xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi, tự điều trị tại nhà 4 ngày nhưng bệnh không đỡ.

4 ngày tiếp theo, bệnh nhân được điều trị tại 2 bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; được dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, phối hợp kháng sinh, lọc máu liên tục, thở máy; tuy nhiên bệnh không cải thiện.

Người đàn ông 36 tuổi suy đa tạng nguy kịch sau khi bị mò đốt - Ảnh 1.

Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng do sốt mò. Ảnh BVCC

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao, suy đa tạng (trụy mạch, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương gan thận cấp tính, giảm tiểu cầu).

Các bác sĩ cho biết, đây là tình trạng nhập viện khá phổ biến của bệnh cảnh sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng, có thể gây ra do nhiều loại tác nhân vi sinh vật, đòi hỏi điều trị kháng sinh phổ rộng trong khi chờ kết quả phân lập được mầm bệnh.

Tuy nhiên, qua khám lâm sàng bác sĩ phát hiện vùng ngực phải bệnh nhân có vết loét điển hình của bệnh sốt mò, từ đó chỉ định xét nghiệm và kháng sinh đặc hiệu. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò, phác đồ điều trị đặc hiệu được duy trì.

May mắn, sau khi được điều trị tích cực, tình trạng suy đa tạng của bệnh nhân được cải thiện, sức khỏe dần hồi phục. Bệnh nhân đã được xuất viện.

Sốt mò là gì?

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng mò.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, liên tục, thường đáp ứng tốt với điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, có thể tiến triển cấp tính đến suy chức năng đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Người đàn ông 36 tuổi suy đa tạng nguy kịch sau khi bị mò đốt - Ảnh 2.

Bệnh sốt mò thường có dấu hiệu điển hình là có vết loét ở vị trí đốt. Ảnh minh họa

Theo BS Nguyễn Sỹ Thấu - Khoa Hồi sức Truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phát hiện ra vết loét điển hình của bệnh sốt mò có thể giúp định hướng sớm chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Vết loét điển hình của sốt mò hình thành tại vị trí ấu trùng mò đốt, có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1 mm đến 2 cm, vẩy nâu nhạt hoặc sẫm màu, thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ, ..., đôi khi ở những vị trí khác trên cơ thể. Vết loét gặp ở 65 – 80% trường hợp sốt mò, thường chỉ có một vết loét, hiếm khi có 2-3 vết loét.

Đặc điểm của vết loét trong sốt mò là không đau, không ngứa khiến bệnh nhân không biết sự hiện diện của vết loét, vì thế thường chỉ được phát hiện qua thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân sốt mò không có triệu chứng điển hình, đòi hỏi các phương pháp chẩn đoán bổ trợ.

Các bác sĩ cho biết, tuy nguy hiểm nhưng bệnh sốt mò có thể dự phòng được. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát, trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp.

Vì vậy, để phòng tránh nguy cơ bị mò đốt, khi lưu trú, làm việc tại những nơi có đặc điểm trên và trong vùng dịch tễ của sốt mò nên mang giầy, tất, chít ống quần, tránh ngồi, nằm hoặc để đồ đạc trực tiếp lên mặt đất, bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây.

Trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân kèm theo có yếu tố dịch tễ của sốt mò nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...