A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mưa phùn nồm ẩm, trẻ mắc bệnh đường hô hấp nhập viện tăng mạnh

Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi khiến các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là hen phế quản ở trẻ em tăng cao.

Tăng mạnh số bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp

Đang nằm điều trị tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé H.N (4 tuổi, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều kèm nôn. Bà của bé cho biết, bé đã được chẩn đoán mắc hen phế quản lúc 3 tuổi, mỗi khi thay đổi thời tiết, bé thường ho rất nhiều, lần nào bé ho dẫn đến nôn thì sẽ khó thở phải nhập viện để thở oxy và khí dung.

Nằm cạnh giường bé H.N là bé K.N (10 tuổi, ở Nghệ An). Cha bé chia sẻ, năm 2022 bé khám ở tỉnh và đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, trước khi vào viện bé có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, đặc biệt là nửa đêm về sáng thì có những cơn khó thở khiến bé không ngủ được.

Các bác sĩ cho biết, cả 2 bệnh nhi đều có tiền sử ho, khò khè, đã được chẩn đoán hen nhưng chưa được điều trị dự phòng nên nhập viện trong tình trạng cơn hen cấp mức độ nặng gây khó thở.

Mưa phùn nồm ẩm, tăng mạnh số trẻ mắc bệnh đường hô hấp nhập viện - Ảnh 1.

Trẻ nhập viện do hen phế quản trong thời tiết mưa phùn, nồm ẩm. Ảnh BVCC

TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 60 – 80 bệnh nhi đến khám, tuy nhiên thời gian gần đây có ngày Khoa tiếp nhận lên đến hơn 100 bệnh nhi (tăng từ 30% – 50%), trong đó có rất nhiều trẻ đến khám vì ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản.

Chỉ tính riêng trong 5 ngày (27/3 – 31/3), đã có hơn 120 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc bệnh hen, 10% trong số đó phải nhập viện điều trị, có những trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì lên cơn hen cấp mức độ nặng, gây khó thở nhiều, thở rít, phải được hỗ trợ thở oxy và sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn hen.

Tại sao trẻ hay tái phát hen phế quản khi giao mùa?

Theo các bác sĩ, hen phế quản trẻ em là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt phế quản, phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở.

Dị nguyên thường gặp nhất đối với trẻ bị hen phế quản là mạt nhà. Đây là loại động vật nhỏ ăn những mẩu da chết bong ra từ cơ thể người. Chúng sinh sống rất nhiều trong chăn, gối, giường của chúng ta hàng ngày.

Vào thời tiết ấm và ẩm, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Hơn thế, thời tiết ẩm khiến nấm mốc và các vi rút cũng phát triển. Vì vậy, trẻ bị hen phế quản hay khởi phát cơn hen trong gia đoạn này.

Ở bệnh nhân mắc hen phế quản mạn tính, thời tiết nồm ẩm sẽ làm các cơn khó thở xuất hiện thường xuyên hơn, nếu kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn thì mức độ cơn hen sẽ càng trở nên trầm trọng.

Làm gì để dự phòng bệnh hen cho trẻ?

TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp cho biết, hầu hết trẻ nhập viện vì cơn hen cấp đều chưa được điều trị dự phòng đầy đủ, có những trường hợp các bác sĩ đã kê đơn dự phòng nhưng gia đình chưa tuân thủ.

Có trường hợp trẻ mới chỉ được gia đình đưa đi khám ở các phòng khám, chưa được thăm dò về chức năng hô hấp, các test dị ứng nên chưa được chẩn đoán xác định là hen và điều trị dự phòng.

Đối với các bệnh nhi mắc bệnh hen, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ giúp kiểm soát tốt nền viêm mãn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc của đường thở cũng như các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: ăn uống, học tập, vui chơi, thể dục thể thao, … của trẻ.

Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp. Đặc biệt khi trẻ có những thay đổi nhỏ như đi bơi, sinh hoạt ngoại khoá, hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết, môi trường sống thì có nguy cơ mắc cơn hen cấp nặng. Bệnh hen phế quản không kiểm soát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, những trẻ hen phế quản cần được tiêm phòng đầy đủ vaccine cúm hàng năm và vaccine phế cầu theo tuổi. Trong trường hợp trẻ nhiễm virus, gia đình cần tuân thủ xịt thuốc dự phòng theo y lệnh, vệ sinh mũi họng, súc miệng thường xuyên.

Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ thường xuyên để được đánh giá về chức năng hô hấp, tình trạng kiểm soát hen của trẻ, đồng thời, được các chuyên gia y tế hướng dẫn cách xử trí khi lên cơn hen cấp.

Với các trẻ có tiền sử mắc bệnh hen, khi xuất hiện triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngạt tắc mũi, bắt đầu cảm thấy khó chịu, cha mẹ cần đưa con đi khám hoặc xem lại thật kỹ các biện pháp điều trị dự phòng cũng như sử dụng thuốc cắt cơn để con không bị lên cơn cấp nặng, nguy hiểm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...