Hơn 4 triệu người có thể tử vong vì AIDS vào năm 2029 vì thiếu nguồn tài trợ
Theo các quan chức Liên hợp quốc, việc thiếu kinh phí - đặc biệt sau khi Mỹ cắt giảm tài trợ - có thể dẫn đến bốn triệu ca tử vong liên quan đến AIDS vào năm 2029.
Các quan chức cảnh báo nếu không có nguồn tài trợ thay thế, thế giới có thể chứng kiến hơn bốn triệu ca tử vong liên quan đến căn bệnh AIDS và sáu triệu ca nhiễm HIV mới vào năm 2029.
Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy virus HIV-1 (màu xanh lá cây) đang nảy chồi khỏi một tế bào lympho được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: CDC)
Trong nhiều năm, các chương trình do Mỹ tài trợ đã giúp giảm số ca tử vong vì AIDS xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ và cung cấp thuốc điều trị cho hàng triệu người.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng sáu tháng qua, việc Hoa Kỳ đột ngột rút khoản viện trợ trị giá 4 tỷ USD đã gây ra “cú sốc hệ thống”, khiến chuỗi cung ứng gián đoạn, nhiều cơ sở y tế đóng cửa, nhân viên bị cắt giảm và hàng nghìn phòng khám ngừng hoạt động.
UNAIDS lo ngại các nhà tài trợ lớn khác có thể sẽ theo chân Mỹ rút vốn, đe dọa làm chậm hoặc đảo ngược tiến bộ toàn cầu sau hàng chục năm. Căng thẳng địa chính trị, xung đột và biến đổi khí hậu càng khiến sự hợp tác đa phương trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Chương trình PEPFAR – sáng kiến chống AIDS lớn nhất thế giới do Tổng thống George W. Bush khởi xướng năm 2003 – từng được xem là “phao cứu sinh” cho các nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao.
Nhờ đó, 84,1 triệu người đã được xét nghiệm và hơn 20 triệu người được điều trị. Tại Nigeria, PEPFAR chiếm tới 99,9% ngân sách thuốc phòng HIV.
Ước tính trong năm 2024, toàn cầu có khoảng 630.000 ca tử vong liên quan đến AIDS, không đổi so với năm 2022. UNAIDS cho biết một nửa số ca nhiễm mới tập trung ở châu Phi cận Sahara, trong đó hơn 50% người cần điều trị vẫn chưa được tiếp cận, chủ yếu ở châu Phi và châu Á.
Trong một diễn biến khác, một bước tiến y học quan trọng là thuốc tiêm Sunleca, vừa được FDA Mỹ phê duyệt, mang lại hy vọng lớn với khả năng ngăn HIV đến 100%. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cảnh báo giá thành quá cao sẽ khiến loại thuốc này ngoài tầm với của nhiều nước.