A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồi sinh trái tim "lỗi nhịp" bằng kỹ thuật mới trong phẫu thuật

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, 700 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh đã được các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch của bệnh viện thực hiện phẫu thuật thành công bằng phương pháp ít xâm lấn. Thành công này khiến chuyên gia nước ngoài chuyển giao kỹ thuật không khỏi ngưỡng mộ.

Nỗ lực làm chủ kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim nhi

Một dấu mốc quan trọng trong chuyên ngành tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương khi TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Nhi và GS Yasuhiro Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama - người chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim nhi ít xâm lấn cho Việt Nam đã cùng trải qua thời gian dài gần 6 giờ đồng hồ, thực hiện ca phẫu thuật tim nhi ít xâm lấn thứ 700 tại Việt Nam.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cùng các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật tim ít xâm lấn thứ 700 cho bệnh nhi mắc tứ chứng Fallot - một bệnh lý tim bẩm sinh.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cùng các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật tim ít xâm lấn thứ 700 cho bệnh nhi mắc tứ chứng Fallot - một bệnh lý tim bẩm sinh

Trường hợp thứ 700 mắc bệnh tim bẩm sinh (tứ chứng Fallot) là bệnh nhi 10 tháng tuổi, nặng 5,5kg mắc tứ chứng Fallot ở mức độ nhẹ. Ca mổ kết thúc vào lúc 15 giờ thành công, ghi dấu ấn thành công ca thứ 700 tại Việt Nam.

TS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải được các chuyên gia của Bệnh viện trường Đại học Okayama, Nhật Bản, chuyển giao cho Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2018 và được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện độc lập từ năm 2018".

Nhớ lại, TS Thịnh Trường cho biết, 5 năm trước, GS Yasuhiro Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama trực tiếp đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải cho các phẫu thuật viên của Trung tâm Tim mạch nhi. Thời điểm đó, TS Trường đã cùng GS Yasuhiro Kotani mổ liên tục 2 ca thành công cho trẻ bị mắc bệnh lý thông liên thất.

Trước năm 2018, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, đều chỉ có một đường mổ duy nhất là rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn sau mổ. Việc chuyển giao kỹ thuật mới là thách thức với các bác sĩ bấy giờ vì sửa chữa tổn thương tim nhi rất khó khăn.

Theo TS Trường, nếu không thể sửa chữa tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại. Bởi vậy, không phải trường hợp nào chúng tôi cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp phẫu thuật tim nhi ít xâm lấn.

Phương pháp ít xâm lấn chủ yếu áp dụng cho nhóm bệnh tổn thương tương đối đơn giản, không quá phức tạp và các bác sĩ phải cân nhắc cẩn thận từng trường hợp. Đến nay, kỹ thuật này được triển khai cho các bệnh nhi mắc các bệnh lý thông liên thất, thông liên nhĩ, thông sàn nhĩ thất bán phần, bất thường trở về tĩnh mạch phổi bán phần bên phải, hẹp van động mạch phổi hoặc hẹp trên van động mạch phổi và một số các bất thường khác như u nhầy nhĩ trái, màng ngăn nhĩ trái…

Ngưỡng mộ thành quả đạt được

TS Cao Việt Tùng cho biết: "Từ năm 2018 cho tới nay, 700 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh đã được các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công mà không có bệnh nhân nào tử vong, tỷ lệ biến chứng nặng rất thấp. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được áp dụng thành công kỹ thuật này là 1,5 tháng tuổi và bệnh nhân cân nặng thấp nhất là 3.8kg.

Đối với các bệnh nhân, đặc biệt ở độ tuổi thiếu niên, phẫu thuật ít xâm lấn qua đường dọc giữa nách bên phải mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp các em rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Các em không còn cảm giác tự ti do vết sẹo mổ ngắn và được che khuất hoàn toàn dưới nách bên phải.

Hầu hết các bệnh nhân đều được tiến hành giảm đau tại chỗ, giúp giảm đau hiệu quả và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc an thần - giảm đau khác theo đường tĩnh mạch. Phần lớn, bệnh nhân đều được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật và có thể rút ống nội khí quản đồng thời tự thở ngay tại phòng mổ sau phẫu thuật".

GS Yasuhiro Kotani chia sẻ về những giá trị của phẫu thuật tim ít xâm lấn và đánh giá cao thành tựu của các thầy thuốc tim mạch nhi - Bệnh viện Nhi Trung ương.

GS Yasuhiro Kotani chia sẻ về những giá trị của phẫu thuật tim ít xâm lấn và đánh giá cao thành tựu của các thầy thuốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi Trung ương

Quay trở lại Việt Nam sau 5 năm chuyển giao kỹ thuật, GS Yasuhiro Kotani vô cùng bất ngờ trước thành quả mà các bác sĩ Việt Nam đạt được với 700 ca phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách, tỷ lệ 100% thành công, không có ca nào biến chứng nặng và tử vong.

"Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng không có nhiều bệnh viện tiến hành phẫu thuật qua đường nách. 700 là con số lớn và tôi rất ngưỡng mộ kết quả của các bác sĩ tại đây", GS Yasuhiro Kotani chia sẻ.

Đặc biệt, có những trường hợp sau khi phẫu thuật có thể rút được ống nội khí quản ngay trong phòng mổ, chuyển sang giai đoạn hồi sức chỉ nằm thời gian ngắn và nhanh chóng được ghép bố mẹ. Điều đó giúp các cháu sẽ hồi phục nhanh hơn, bố mẹ đỡ lo lắng hơn.

Theo TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, để giảm thiểu tối đa tổn thương cho bệnh nhi, các bác sĩ đã có những thay đổi về mặt kỹ thuật. Ví dụ, trước đây đường mổ ở nách dài khoảng 6cm thì hiện nay các bác sĩ thu gọn đường mổ, chỉ còn khoảng 4cm. Các bác sĩ cũng rút ngắn thời gian hồi sức và thở máy, bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn.

Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã báo cáo kết quả điều trị áp dụng phẫu thuật ít xâm lấn cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tại Hội nghị thế giới phẫu thuật tim mạch lồng ngực ít xâm lấn 2023. Báo cáo của trung tâm đã được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao và đạt được giải báo cáo poster xuất sắc nhất của hội nghị.

GS Yasuhiro Kotani cho biết, ông rất tự hào với những thành tựu đã đạt được về phẫu thuật ít xâm lấn sau khi chuyển giao tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian ngắn vừa qua.

Quay trở lại Bệnh viện Nhi Trung ương sau thời gian hợp tác bị gián đoạn bởi đại dịch, GS Kotani rất ấn tượng với những kết quả của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ông hy vọng tiếp tục hợp tác chuyển giao kỹ thuật và nghiên cứu khoa học với các y bác sĩ tại đây nhằm cứu chữa được nhiều hơn nữa trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học xuất bản quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...