A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, bệnh nhân là người đàn ông 67 tuổi, nghề nghiệp bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ). Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng: Sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).

Trước đó, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do ăn tiết canh lợn, là nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Giao Thủy, tỉnh Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh. Vào ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau đó 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái... Các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do liên cầu lợn. Dù được chăm sóc, điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn có suy đa tạng, toan chuyển hóa - rối loạn đông máu nặng.

Theo các chuyên gia y tế, thời gian ủ bệnh liên cầu khuẩn tính từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày. Biểu hiện chính là sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội.

Trong trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn thần kinh như: Lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật… hoặc tổn thương các dây thần kinh trung ương (như điếc, mắt mờ; rối loạn tuần hoàn). Bên cạnh đó còn xuất hiện rối loạn hô hấp như: Khó thở, viêm phổi, suy hô hấp; suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím…

Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...