A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đợt bùng dịch khiến Thượng Hải 'trở tay không kịp'

Giữa lúc nhịp sống tại Thượng Hải bị gián đoạn để chống dịch, người dân thành phố lớn nhất Trung Quốc đã lập thành nhóm để giúp đỡ nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Bốn ngày sau khi khu phố bị phong tỏa, Ding Tingting bắt đầu lo lắng về người đàn ông lớn tuổi sống một mình ở căn hộ bên dưới nhà cô. Cô gõ cửa nhà ông và thấy thực phẩm của ông đang cạn dần. Ông cũng không biết cách lên mạng tìm để mua thêm.

Ding giúp ông mua thức ăn, và nghĩ đến nhiều người lớn tuổi khác sống một mình trong khu phố của cô. Sử dụng ứng dụng WeChat, cô và những người bạn đã tạo ra các nhóm để kết nối người có nhu cầu với tình nguyện viên ở gần, những người có thể mang thức ăn và thuốc cho họ.

Khi bố chồng của một người phụ nữ bị ngất xỉu, mạng lưới tình nguyện viên đã tìm thấy một người hàng xóm có máy đo huyết áp và chuyển đến nhanh chóng.

"Cuộc sống không thể bị đình trệ chỉ vì phong tỏa chặt", Ding chia sẻ.

Trung Quốc đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus. Hàng trăm nghìn nhân viên trong ủy ban các khu phố sắp xếp việc xét nghiệm hàng loạt, điều phối và vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện và cơ sở cách ly. Họ cũng cung cấp thẻ đặc biệt cho những người bệnh đi tìm thuốc và mua các nhu cầu thiết yếu khác trong thời gian phong tỏa.

Hôm 25/4, tại Bắc Kinh, chính quyền ra lệnh cho khoảng 3/4 trong số 22 triệu cư dân của thành phố phải trải qua ba vòng xét nghiệm bắt buộc trong 5 ngày nhằm nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát mới.

Nhưng đợt bùng dịch mạnh gần đây ở Thượng Hải đã khiến 50.000 nhân viên của thành phố "trở tay không kịp", khiến người dân phải vật lộn để kiếm thức ăn, chăm sóc y tế và thậm chí là chăm sóc thú cưng. Tức giận và thất vọng, một số người đã tự giải quyết vấn đề, tình nguyện trợ giúp những người cần giúp đỡ, theo New York Times.

Bị chia cắt khỏi cuộc sống hàng ngày

Ở Thượng Hải, nơi cứ ba người thì có một người trên 60 tuổi, cư dân đặc biệt lo ngại người cao tuổi đang bị lãng quên. Nhiều người không sử dụng điện thoại thông minh và không sử dụng WeChat hoặc bất kỳ ứng dụng mua sắm trực tuyến nào. Không thể rời nhà, họ đang bị chia cắt khỏi cuộc sống thường nhật.

"Tôi thấy một số người cao niên đang gặp nhiều khó khăn", Danli Zhou, người thuộc nhóm tình nguyện viên đặc biệt tại khu phố cao cấp ở trung tâm thành phố, cho biết. Nhóm nhận giúp giao hàng từ sảnh đến cửa nhà cư dân.

Trong một ca làm việc của mình, Zhou cho biết anh đã gõ cửa một người đàn ông lớn tuổi gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Anh xem điện thoại của ông và nhận được liên lạc của cô con gái sống ở một khu vực khác trong thành phố. Anh Zhu đã cho cô con gái liên hệ của một số nhóm WeChat trong tòa nhà, nơi những người hàng xóm đang giúp mua đồ ăn và giao hàng.

"Có khá nhiều người cao niên sống một mình trong tòa nhà", anh Zhou nói. "Tôi thậm chí còn mất một khoảng thời gian để tìm ra cách vận hành mua theo nhóm trong tòa nhà".

Một người đàn ông giao hàng đi qua địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải. Ảnh: Shutterstock.

Một người đàn ông giao hàng đi qua địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải. Ảnh: Shutterstock

Trong số hàng chục nghìn tình nguyện viên mới của Thượng Hải, ý thức cộng đồng đã phát triển ở thành phố có nhiều cư dân hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc. Nhiều người nói rằng trước khi dịch bệnh bùng phát, họ quen với nhiều đồng nghiệp hơn là hàng xóm.

Yvonne Mao - Giám đốc dự án 31 tuổi tại công ty công nghệ ở Thượng Hải - chưa bao giờ bận tâm đến việc làm quen với những người hàng xóm. Sau khi xuất hiện một ca dương tính bên trong tòa nhà, chị đã hoảng loạn và kêu gọi giúp đỡ bằng cách điền vào một biểu mẫu mà chị tìm thấy trên mạng giúp kết nối mọi người với tình nguyện viên ở mỗi quận Thượng Hải.

Chị Mao nhanh chóng nhận được cuộc gọi từ một tình nguyện viên trung niên sống trong cùng tòa nhà. Sau đó, chị đã đăng ký để giúp phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho những người hàng xóm khác.

"Tôi cảm nhận được tình đoàn kết và trở nên gần gũi hơn với những người hàng xóm", chị Mao nói.

Các tình nguyện viên cũng trở thành nguồn lực thiết yếu cho hàng trăm nghìn người bị chuyển đến cơ sở cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Tình thế đột ngột khiến họ chưa thể thu xếp hết mọi thứ ở nhà.

Khi đoạn video quay cảnh một con chó corgi bị nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ trắng đánh đập lan truyền, các tình nguyện viên bảo vệ quyền động vật đã vào cuộc.

Người chủ đã thả con chó ra ngoài đường sau khi không thể tìm thấy người chăm sóc cho thú cưng của mình trước khi bị đưa đến cơ sở cách ly. Một quan chức sau đó thừa nhận việc đánh đập là sai lầm, nhưng nhiều người vẫn không khỏi phẫn nộ.

Các tình nguyện viên đã đưa ra những mẫu đơn trực tuyến để người dân đăng ký dịch vụ chăm sóc thú cưng ở các quận xung quanh thành phố. Các nhóm này giúp chuyển vật nuôi đến nhà ở tạm thời hoặc dịch vụ chăm sóc khi người chủ có kết quả dương tính.

"Tôi chỉ muốn giúp đỡ càng nhiều càng tốt"

Tuy nhiên, ngay cả những hành động tử tế nhỏ này cũng đã vấp phải sự phản đối của các quan chức khu phố.

Akiko Li, tình nguyện viên tại một nhóm bảo vệ quyền động vật, đã giúp tìm nhà cho một con mèo lông trắng mắt xanh tên là Guaiguai khi người chủ liên lạc với chị. Chị Li đã tìm thấy một học sinh trung học sống trong cùng khu dân cư với chủ nhân của Guaiguai và có thể đến căn hộ để lấy con mèo.

"Chúng tôi đã vấp phải nhiều khó khăn trong suốt quá trình này", người phụ nữ 28 tuổi nói.

Ở phía bắc Thượng Hải, Hura Lin - học sinh trung học 18 tuổi - đã nhận nuôi một con mèo tên là Drumstick sau khi chủ nhân của nó có kết quả xét nghiệm dương tính. "Tôi không mong mình có thể giải quyết vấn đề. Tôi chỉ muốn giúp đỡ càng nhiều càng tốt", Lin nói.

Một người đàn ông trong khu vực dân cư bị phong tỏa nhận lại thú cưng từ nhân viên giao hàng. Con chó được gửi đến bác sĩ thú y để điều trị. Ảnh: Shutterstock.

Một người đàn ông trong khu vực dân cư bị phong tỏa nhận lại thú cưng từ nhân viên giao hàng. Con chó được gửi đến bác sĩ thú y để điều trị. Ảnh: Shutterstock

Một số người, thay vì trở thành tình nguyện viên, chỉ đơn giản là cung cấp những cách để giảm bớt căng thẳng trong thời gian phong tỏa. Họ thu thập thông tin và hướng dẫn trực tuyến, làm đồ giải khát cho những người hàng xóm để nâng cao tinh thần.

Trong một khu phố gần nhà chị Mao, một tình nguyện viên khác, Perla Shi, pha cà phê miễn phí mỗi sáng cho những người hàng xóm từ căn bếp nhỏ. Chị nhận đơn đặt hàng hàng ngày và giao chúng trong những chiếc cốc mà chị có thể mua từ một cửa hàng tiện lợi gần đó.

Chị làm điều này sau khi nhận nhiều hành động tử tế từ những người hàng xóm. Một người đề nghị được chăm sóc con mèo của chị, Sixi, nếu chị Shi có kết quả dương tính. Một người khác đặt bánh mì tươi tự làm trước cửa nhà chị, trong khi một người khác thì đặt một vỉ sữa chua.

"Ai cũng thiếu thứ gì đó, nhưng họ vẫn chăm sóc cho tôi, chị Shi nói. "Tôi nghĩ rằng tôi cũng cần phải làm gì đó cho họ".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết