Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên: Đưa tiện ích đến người dùng
Từ bất cập trong thu hộ tiền mua thẻ hiểm y tế (BHYT), nhiều ý kiến cho rằng, mỗi nhà trường cần có nhân viên y tế học đường chuyên trách...
Thiếu nhân viên y tế học đường, các nhà trường loay hoay gỡ rối. Ảnh: INT |
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, TP Hà Nội): Bất cập nếu không có nhân viên y tế
Năm học này, nhà trường có hơn 1.000 học sinh, tất cả đều tham gia BHYT. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường cần có nhân viên y tế học đường chuyên trách. Đây là những người trực tiếp phụ trách mảng y tế trong nhà trường bao gồm khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh; phát hiện và phòng ngừa bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống…
Nhân viên y tế học đường còn là người trực tiếp triển khai BHYT học sinh. Họ cũng chịu trách nhiệm cùng bam giám hiệu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú của các trường tổ chức bán trú. Tất cả cuộc thi đấu thể thao, chuyến đi thăm quan dã ngoại của thầy, trò đều không thể thiếu sự chăm sóc của cán bộ y tế học đường.
Ngoài lập kế hoạch hoạt động y tế theo từng mùa dịch bệnh, diễn biến thực tế các bệnh có thể bùng phát trong trường học, nhân viên y tế học đường còn quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh, nắm vững bệnh lý từng trường hợp đặc biệt cần lưu ý để can thiệp kịp thời. Nhà trường có một nhân viên y tế học đường chuyên trách nên cũng phần nào yên tâm hơn.
Nếu không có nhân viên y tế học đường chuyên trách, các trường bắt buộc giao công việc này cho giáo viên hoặc nhân viên nào đó kiêm nhiệm để hỗ trợ học sinh mỗi lúc xảy ra sự cố không mong muốn như liên hệ gia đình, đưa các em đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu. Điều này có nhiều bất cập bởi khối lượng công việc nhiều, trách nhiệm cao, nếu kiêm nhiệm sẽ không phát huy được hiệu quả.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP Hà Nội): Xem xét tăng tỷ lệ trích kinh phí cho trường
Vai trò của nhân viên y tế học đường rất quan trọng. Chỉ việc khám sức khoẻ cho học sinh đầu năm để cập nhật chiều cao, cân nặng, các bệnh mắt học đường cũng mất nhiều thời gian, nhân lực.
Hơn nữa, việc mua các thiết bị y tế, thuốc thiết yếu gặp nhiều khó khăn với thủ tục thanh quyết toán tài chính do các cơ sở cung cấp dịch vụ còn ít trên địa bàn nông thôn.
Rất may đợt này có hệ thống nhà thuốc tư nhân hỗ trợ nên đỡ hơn về mặt thủ tục giấy tờ cho nhà trường. Vì thế, cơ quan quản lý nên xem xét tăng mức trích lại kinh phí cho trường để hỗ trợ công tác y tế học đường.
Hằng năm, nhà trường có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo chế độ lương cán bộ y tế. Cán bộ phụ trách y tế học đường có vai trò quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực hành một số kỹ thuật y khoa. Đây cũng là đầu mối kết nối với cơ sở y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường.
Cô Phạm Thị Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Púng Luông (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái): Giảm thủ tục phiền hà
Năm học này, nhà trường có 540 học sinh và chỉ có một điểm trường. Trường có một nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo đúng yêu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng khám đa khoa huyện thực hiện khám sức khoẻ cho học sinh.
Nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng để duy trì và phát triển, nâng cao hiệu quả y tế học đường. Tham gia BHYT sẽ giúp học sinh được giáo dục kiến thức y khoa phòng bệnh cơ bản, chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nhà trường; hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế theo quy định.
Việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thường xuyên, kế hoạch liên ngành được ngành Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời.
Những người có thẻ BHYT được đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương mà không theo nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Từ năm 2021 thông tuyến đến các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương đã tạo ra những thuận lợi cơ bản cho người tham gia BHYT nói chung và học sinh, sinh viên tham gia BHYT nói riêng.
Tuy nhiên, trong thực tế còn đâu đó vài trường hợp dùng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế phải làm một số thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người bệnh. Do đó, nên tạo điều kiện cho người dân khi đi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh có thể sử dụng Căn cước công dân gắn chíp thay vì phải mang các giầy tờ liên quan như trước.
Các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông về BHYT cho học sinh theo hướng linh hoạt với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức liên quan, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. Qua đó, mọi người trong xã hội hiểu và nhận thức đầy đủ việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ là trách nhiệm với cá nhân mà còn với cộng đồng. - Thầy Chu Quang Hùng