Ký sinh trùng sốt rét "ngủ" trong gan?
Số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét tại nước ta giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, người dân được khuyến cáo không chủ quan.
Ký sinh trùng sốt rét cư trú tại gan. Ảnh minh họa: INT |
Bởi, ký sinh trùng sốt rét có khả năng “ngủ” trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Bệnh có nguy cơ tái phát
Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nam (37 tuổi), mắc sốt rét ác tính, thiếu máu nặng. Bệnh nhân từng mắc sốt rét từ hơn 20 năm trước.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao 39, 40 độ C, kéo dài trong 5 ngày liên tiếp, và xuất hiện các triệu chứng như rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng chướng, gan to, vàng da và vàng mắt ngày càng rõ rệt cùng với tình trạng nước tiểu ít và sẫm màu.
Tại cơ sở y tế ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy gan và tan máu nặng nề. Trước đó, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý về gan. Tuy nhiên, bệnh sốt rét ác tính đã gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân làm nghề khoan giếng ở Hòa Bình. Công việc đòi hỏi thường xuyên di chuyển và làm việc tại nhiều địa phương. Trong quá trình này, bệnh nhân đã có những cơn sốt không rõ nguyên nhân. Trước đó, vào các năm 2002 tại Tây Nguyên và 2003 tại Hòa Bình, bệnh nhân từng mắc sốt rét.
Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp của bệnh nhân này là lời cảnh báo quan trọng về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét sau nhiều năm. Ký sinh trùng sốt rét vẫn còn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt hai thập kỷ và nay đã tái phát khi gặp điều kiện thích hợp.
Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét, có khả năng “ngủ” trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. “Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý đến sức khỏe của bản thân và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát”, bác sĩ Bảo nhấn mạnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo Cục Y tế Dự phòng, trên thế giới có khoảng 422 loài muỗi Anophen (Anopheles) nhưng chỉ có khoảng 70 loài truyền bệnh sốt rét. Trong đó, khoảng 40 loài là muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam, có 15 loài Anophen (An.) truyền bệnh, trong đó có 3 loài truyền bệnh chính: An.minimus, An.dirus, An.epiroticus và 12 loài truyền bệnh phụ.
Muỗi An.minimus phân bố ở vùng rừng núi đồi toàn quốc có bình độ dưới 1.000 mét, phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. An.dirus phân bố vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam, phát triển mạnh vào giữa mùa mưa.
An.epiroticus phân bố vùng ven biển nước lợ Nam Bộ. Bệnh sốt rét phát triển quanh năm, các tỉnh rừng núi miền Bắc có 2 đỉnh bệnh vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sốt rét phát triển cao trong suốt mùa mưa.
Sau khi muỗi truyền bệnh đốt hút máu người bệnh có giao bào, giao bào đực và cái sẽ kết hợp trong dạ dày muỗi thành noãn (ookinet), noãn chui qua thành dạ dày và tạo thành kén (oocyst) ở mặt ngoài dạ dày, ký sinh trùng phát triển tạo thành hàng nghìn ký sinh trùng non gọi là thoa trùng (sporozoite).
Sau đó, kén vỡ giải phóng thoa trùng, thoa trùng di chuyển lên tập trung trong tuyến nước bọt của muỗi. Ở nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C, sau 10 ngày, ký sinh trùng hoàn thành chu kỳ phát triển hữu tính trong cơ thể muỗi và có thể truyền bệnh đến khi muỗi chết. Ở nhiệt độ này, muỗi có thể sống được trên dưới 4 tuần.
Trong những vùng lưu hành sốt rét, có trường hợp bệnh nhân bị sốt rét tái phát, các đợt sốt xảy ra tiếp nối nhau. Theo các chuyên gia y tế, sốt rét tái phát có thể xảy ra trên nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau.
Cụ thể, bệnh nhân sốt rét tái phát gần do nhiễm ký sinh trùng P. falciparum kháng lại với thuốc điều trị, thuốc không có tác dụng diệt hết thể vô tính (trophozoite) của ký sinh trùng trong máu người bệnh. Bệnh nhân sốt rét tái phát xa do nhiễm ký sinh trùng P. vivax nhưng không dùng loại thuốc diệt trùng thể ngủ (hypnozoite) ký sinh trong gan để điều trị tận gốc.
Người có tiền sử nhiễm ký sinh trùng sốt rét, cơn sốt rét tái phát sẽ tùy thuộc vào thời gian ký sinh trùng tồn tại trong cơ thể. Cơn sốt rét trước cách từ 1 - 2 năm đối với loại P. falciparum; từ 1,5 - 5 năm đối với loại P. vivax, hoặc P. ovale; và từ 3 - 5 năm đối với loại P. malaria. Một số trường hợp sốt rét tái phát thường hay gặp ở những bệnh nhân có điều kiện lao động nặng nhọc trong thời kỳ sốt rét sơ nhiễm (mắc bệnh trong 6 tháng đầu).
Những năm gần đây, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, các cấp, ngành đã có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt rét. Đặc biệt, tại các trường học, công tác phòng, chống sốt rét cũng được tuyên truyền. Nhiều tổ chức giáo dục đã đăng tải thông tin về biện pháp phòng chống bệnh sốt rét. Qua đó, giúp giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh nhận biết các dấu hiệu, cũng như cách phòng bệnh.