Vì sao chính phủ quê nhà phản đối tổng giám đốc WHO?
Dường như những nỗ lực của chính phủ Ethiopia là không đủ để ngăn Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom có nhiệm kỳ thứ hai, khi ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới.
Ngày 25/1, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề cử ông Tedros tái đảm nhiệm chức vụ giám đốc của tổ chức này nhiệm kỳ 2022-2027. Với việc là ứng viên duy nhất, gần như chắc chắn chính trị gia người Ethiopia sẽ có nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Tedros nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc hay Mỹ (dù chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng mạnh mẽ chỉ trích ông về cách ứng phó với đại dịch).
Chỉ có một quốc gia kiên quyết phản đối. Điều trớ trêu, đó chính là Ethiopia - đất nước của ông. Đây được coi là hệ quả của các xung đột nội bộ trong lòng Ethiopia, cụ thể là cuộc xung đột dai dẳng giữa chính quyền trung ương tại thủ đô Addis Ababa và lực lượng người Tigray ở miền Bắc.
Ethiopia đã làm nhiều cách để ngăn chặn ông Tedros tái đắc cử, từ gửi thư phản đối, phát biểu trên diễn đàn đa phương tới đề nghị mở cuộc điều tra đối với ông. Tuy nhiên, những biện pháp này khó có khả năng đạt được kết quả.
Nguồn gốc mâu thuẫn
Ngày 24/5/2016, ông Tedros chính thức tuyên bố tranh cử chức vụ tổng giám đốc WHO. Khi đó, ông là bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia. Chiến dịch vận động tranh cử của ông nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tuyệt đối từ Addis Ababa.
Tháng 5/2017, khi ông Tedros đắc cử, người Ethiopia ăn mừng. Cựu Tổng thống Mulatu Teshome gửi lời chúc mừng tới mọi dân tộc trong đất nước và gọi đây "là hình ảnh thu nhỏ của những thay đổi lớn mà người Ethiopia đã đoàn kết thực hiện trong những năm qua trong lĩnh vực kinh tế và xã hội".
Ông Tedros từng là ngoại trưởng Ethiopia từ năm 2012 tới năm 2016. Ảnh: Liên Hợp Quốc
Tuy vậy, 5 năm sau, khi ông Tedros tái ứng cử, bức tranh chính trị nội bộ Ethiopia đã thay đổi hoàn toàn.
Trong gần 3 thập kỷ kể từ năm 1991, đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) là lực lượng chính trị chủ đạo và lãnh đạo liên minh cầm quyền tại Ethiopia. Đây là chính đảng đại diện cho người Tigray - dân tộc chỉ chiếm khoảng 5% dân số đất nước nhưng từng chiếm nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền và quân đội.
Chính quyền do TPLF lãnh đạo giúp mức sống của người dân gia tăng đáng kể, nhưng cũng bị tố cáo đàn áp phe đối lập và chịu nhiều chỉ trích.
Ông Tedros là người Tigray và là lãnh đạo cấp cao của TPLF. Ông giữ cương vị bộ trưởng Y tế từ năm 2005 đến năm 2012, khi ông được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng Ngoại giao.
Năm 2018, thời kỳ thống trị của TPLF trên chính trường Ethiopia chấm dứt với việc ông Abiy Ahmed - người thuộc sắc tộc Oromo và Amhara - trở thành thủ tướng mới. Sau khi lên cầm quyền, ông Abyi sa thải và bắt giữ nhiều quan chức, tướng lĩnh cấp cao thuộc đảng TPLF. Điều này đã gây ra sự giận dữ cho người Tigray.
Tháng 11/2020, căng thẳng chính thức trở thành xung đột vũ trang. Sau hơn một năm với nhiều cuộc tấn công và phản công từ cả hai phía, chưa bên nào giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường.
Chiến sự xảy ra trong lúc Tổng giám đốc Tedros đang bận bịu với cuộc chiến chống Covid-19 ở quy mô toàn cầu. Ở thời kỳ đầu đại dịch, ông từng hứng chịu nhiều chỉ trích từ một số quốc gia - bao gồm nước Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump - về cách thức ứng phó với đại dịch.
Ông Tedros hiếm khi nhắc đến tình hình bạo lực tại quê nhà Tigray trước công chúng. Theo các báo cáo của truyền thông quốc tế, cuộc chiến ở Tigray chứng kiến các hành vi phi nhân đạo từ cả hai bên tham chiến.
"Cái đói trở thành vũ khí. Cưỡng hiếp cũng là vũ khí. Giết chóc bừa bãi đã xảy ra", ông Tedros nói với phóng viên New York Times đầu năm 2021. "Toàn khu vực đang trải qua nạn đói".
Một người chị họ của ông qua đời khi đang trú ẩn trong một nhà thờ, Một người họ hàng khác bị bắn trên đường phố khi mới chỉ 16 tuổi. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, ông khó có thể liên lạc với gia đình do Internet và điện thoại bị cắt.
Ngay sau khi bạo lực bùng phát, chính quyền trung ương Ethiopia tố cáo ông Tedros vận động các nước láng giềng hỗ trợ - bao gồm cung cấp vũ khí - cho lực lượng người Tigray.
Chiến sự tại Tigray gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Ảnh: Bloomberg
Thậm chí, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ethiopia Berhanu Jula gọi ông Tedros là "tội phạm" và tuyên bố ông nên rời khỏi chức vụ tại WHO.
Ông Tedros bác bỏ mọi cáo buộc. "Có những báo cáo rằng tôi đang chọn phe. Điều này là không đúng. Tôi chỉ thuộc về một phía, đó là phía của hòa bình", ông nói.
Tuy vậy, ông cũng chỉ trích chính quyền Ethiopia vì hạn chế hàng viện trợ được đưa tới vùng Tigray, hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng TPLF.
"Ở thế kỷ 21 này, thật kinh sợ và không thể tưởng tượng khi một chính phủ không để chính người dân của mình tiếp cận với thực phẩm, thuốc men và những vật dụng cần thiết khác cho cuộc sống", ông Tedros nói hôm 12/1.
Nỗ lực bất thành
Thông thường, các quốc gia sẽ tích cực ủng hộ công dân của mình tranh cử các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế. Tuy vậy, điều ngược lại không phải là chưa từng xảy ra, đặc biệt khi chính trị gia này là người của đảng đối lập.
Năm 2017, khi cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu lúc bấy giờ, tái tranh cử, chính phủ Ba Lan kịch liệt phản đối. Theo Warsaw, dù giữ cương vị người đứng đầu một cơ quan của EU, ông Tusk đã can thiệp vào vấn đề chính trị nội bộ Ba Lan và phản đối các cải cách của chính phủ nước này.
Cựu Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło từng tuyên bố tìm mọi cách để ngăn chặn ông Tusk tái đắc cử. Trong khi đó, Ngoại trưởng Witold Waszczykowski gọi ông Tusk là "biểu tượng của sự xấu xa và ngu ngốc".
Đằng sau những lời chỉ trích này là động cơ chính trị. Ông Tusk là người sáng lập đảng Cương lĩnh Dân sự đối lập (sau khi mãn nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông trở lại làm chủ tịch đảng này), trong khi chính phủ Ba Lan từ năm 2015 nằm dưới sự kiểm soát của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo đảng PiS Jarosław Kaczyński cũng tố cáo ông Tusk không làm đủ trách nhiệm trong việc điều tra vụ tai nạn máy bay dẫn tới cái chết của Tổng thống Lech Kaczyński - anh trai ông Kaczyński, phu nhân và nhiều quan chức cấp cao Ba Lan năm 2010.
Tuy vậy, những nỗ lực của Ba Lan không mang lại kết quả. Ông Tusk vẫn tái đắc cử với số phiếu gần như tuyệt đối 27/1. Lá phiếu chống duy nhất là của Ba Lan.
Trên thực tế, không phải người Ethiopia nào cũng ủng hộ ông Tedros trở thành tổng giám đốc WHO năm 2017. Một số nhân vật đối lập tại Ethiopia thời điểm đó tuyên bố ông không đáng được bầu vì "đại diện cho lợi ích của giới tinh hoa cầm quyền, không phải người dân Ethiopia".
Một cuộc biểu tình phản đối ông Tedros của người Ethiopia tại Thụy Sĩ năm 2017. Ảnh: Reuters
Lực lượng này đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến và tổ chức một chiến dịch trên Twitter nhằm chống lại ông Tedros. Họ thậm chí sản xuất cả một bộ phim tài liệu dài hơn một tiếng đồng hồ về những sự việc được cho là thất bại của ông trong thời kỳ giữ cương vị bộ trưởng Y tế Ethiopia. Tuy vậy, những nỗ lực này không mấy thành công.
Kịch bản này dường như sắp lặp lại. Sau phát biểu của ông Tedros hôm 12/1, Addis Ababa yêu cầu điều tra với lý do ông "cư xử không đúng mực, vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp và pháp lý". Tuy nhiên, dường như chính phủ Ethiopia không kêu gọi được sự ủng hộ từ các quốc gia khác.
"Trên thực tế, ông ấy đã phát biểu một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, những điều ông ấy nói phù hợp với thực tế được quan sát bởi người đứng đầu mọi cơ quan nhân đạo", một nguồn tin ngoại giao phương Tây giấu tên nói với AFP. "Không có hành động cư xử không đúng mực nào".
"Ngay từ đầu, chính phủ Ethiopia tìm cách ngăn ông Tedros tái đắc cử chức vụ tổng giám đốc WHO", nguồn tin trên cho biết. Theo người này, Addis Ababa đã ngăn chặn Liên minh châu Phi (AU) ra tuyên bố nhất trí ủng hộ ông Tedros.
Một số tổ chức tại Ethiopia cũng đã viết thư phản đối gửi lên Liên Hợp Quốc. Hôm 24/1, ông Zenebe Kebede Korcho, Trưởng phái đoàn của Ethiopia tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, cũng có bài phát biểu chỉ trích ông Tedros, nhưng bị ngắt lời giữa chừng.
Đối với đa số quốc gia, việc có công dân đứng đầu một cơ quan quan trọng của thế giới như WHO là niềm vinh dự lớn. Nhưng đối với chính phủ Ethiopia, đây lại là thực tế không lấy làm vui vẻ. Nhưng có lẽ họ sẽ phải tập làm quen với điều đó.