Cần giải pháp căn cơ để giảm tỷ lệ thất nghiệp
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt mốc 4% (cao nhất 10 năm qua). Dự báo năm 2022, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đặc biệt quan tâm đến thị trường lao động, bảo đảm việc kết nối giữa người lao động - doanh nghiệp - trung tâm dịch vụ việc làm - doanh nghiệp dịch vụ việc làm chặt chẽ hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp dự báo tiếp tục tăng
Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước ta. Hàng chục triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, cung lao động suy giảm nghiêm trọng.
Số lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến dẫn tới đời sống của lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn… và lao động tự do gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo của các chuyên gia, hiện trạng này có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2022.
Cụ thể, theo dự báo của ILO, số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 khoảng 1,3 triệu người so với khoảng 1,2 triệu người của năm 2021. Đến năm 2023, số lượng thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn thời điểm năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người).
Theo các chuyên gia, công tác quản lý lao động, bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài ở nước ta còn bất cập, thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động và nắm thông tin biến động việc làm. Để khắc phục hạn chế này, trong các năm tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có sự quy hoạch đồng bộ, nhằm tăng cường kết nối cung cầu, số hóa các cơ sở dữ liệu cũng như nâng cao tay nghề lao động. Cùng với đó, phát triển những ngành nghề mới, nhằm tăng đầu ra cho thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số về lao động - việc làm
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để giải quyết vấn đề việc làm, trong năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chú trọng tới thị trường lao động. Trong đó, mục tiêu đáng quan tâm là phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu lao động, bảo đảm hiệu quả cung cầu, sử dụng nguồn lực, dịch chuyển lao động. Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ để nâng cao tầm kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về công tác đào tạo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ, Bộ sẽ tập trung đào tạo thanh niên có kỹ năng, có bằng cấp để duy trì việc làm ổn định. Đồng thời, phát triển thị trường lao động để người lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng tìm việc làm bất cứ chỗ nào, bất cứ hình thức nào thông qua sàn lao động điện tử, không gian mạng... Từ đó, thanh niên có việc làm, doanh nghiệp có nhân lực đáp ứng cho từng loại hình công việc. Năm 2022 và những năm tiếp theo, thị trường lao động tiếp tục thay đổi vì nước ta đang trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, với nhiều loại hình công việc thay đổi.
“Thanh niên có lợi thế tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, loại hình hiện đại nhưng với điều kiện có đầy đủ kiến thức, chủ động liên hệ doanh nghiệp, trang mạng tìm việc, trung tâm dịch vụ việc làm…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Cũng theo Thứ trưởng, ngành lao động cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, thụ hưởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhận định, năm 2022 cần có sự đột phá về công nghệ thông tin trong lĩnh vực lao động - việc làm. Việc bảo đảm thị trường lao động có một hạ tầng số để kết nối toàn quốc cũng như kết nối với không gian mạng là thách thức không nhỏ, bởi đó không chỉ là vấn đề công nghệ, đầu tư mà liên quan đến cách thức quản lý và điều hành thị trường. Điển hình như việc điều tra nhu cầu lao động hiện nay đã chuyển từ giấy sang nền tảng số; quản lý sổ lao động bằng giấy chuyển sang sổ lao động điện tử. Quá trình này đặt ra nhiều thách thức và cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.