Biến đổi khí hậu đe dọa tương lai của chuối – loại trái cây phổ biến nhất thế giới
Một nghiên cứu mới đây cho thấy gần hai phần ba diện tích trồng chuối tại Mỹ Latinh và Caribe có thể không còn phù hợp để canh tác vào năm 2080 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Christian Aid mang tên “Going Bananas: How Climate Change Threatens the World’s Favourite Fruit” chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng, thời tiết khắc nghiệt và sự gia tăng của sâu bệnh liên quan đến khí hậu đang tàn phá các vùng trồng chuối như Guatemala, Costa Rica và Colombia. Những tác động này không chỉ làm giảm sản lượng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của các cộng đồng nông thôn tại khu vực này.
Chuối cung cấp từ 15% đến 27% lượng calo hàng ngày cho hơn 400 triệu người. (Ảnh: Unsplash)
Chuối hiện là loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, đồng thời là cây lương thực quan trọng thứ tư sau lúa mì, gạo và ngô. Khoảng 80% sản lượng chuối toàn cầu được tiêu thụ tại địa phương, cung cấp từ 15% đến 27% lượng calo hàng ngày cho hơn 400 triệu người.
Ước tính cho thấy 80% chuối xuất khẩu trên thế giới đến từ Mỹ Latinh và Caribe – những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến mùa màng, nguồn thực phẩm thiết yếu
Một nông dân trồng chuối tại Guatemala chia sẻ với các nhà nghiên cứu: “Biến đổi khí hậu đã giết chết mùa màng của chúng tôi. Điều này đồng nghĩa với việc không có thu nhập vì chúng tôi không thể bán bất cứ thứ gì. Đồn điền của tôi đang chết dần”.
Chuối, đặc biệt là giống cavendish – chiếm phần lớn sản lượng xuất khẩu, rất nhạy cảm với thay đổi khí hậu. Chúng cần nhiệt độ từ 15°C đến 35°C và lượng nước vừa đủ để phát triển. Tuy nhiên, chúng dễ bị tổn thương bởi bão, làm rách lá, cản trở quá trình quang hợp.
Sự thiếu đa dạng về giống cũng khiến cây chuối dễ bị ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu và các dịch bệnh. Một trong số đó là nấm lá đen, có thể làm giảm tới 80% khả năng quang hợp, phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, khiến cây dễ bị ảnh hưởng bởi mưa thất thường và lũ lụt. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thay đổi cũng thúc đẩy sự lây lan của fusarium tropical race 4 – loại nấm gây ra bệnh héo rũ ở cây chuối.
Các nghiên cứu kêu gọi các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất cần nhanh chóng chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và thực hiện nghĩa vụ tài chính để hỗ trợ các cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.